Đối với những người Công giáo, Giáng sinh là dịp để mọi người sum họp, quây quần bên nhau để chia sẻ về cuộc sống trong một năm vừa qua. Những món quen thuộc thường xuất hiện trên bàn ăn dịp này như: gà tây, thịt lớn muối, bánh khúc cây, kẹo gậy bạc hà và không thể thiếu những chiếc bánh quy gừng thơm lừng.
Nhiều người cho rằng, bánh quy gừng (gingerbread) đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8. Khi đó, chúng được làm từ những mẩu bánh mì còn thừa nấu cùng mật ong, gừng và nhiều loại gia vị. Đến thế kỷ thứ 13, bánh gừng được những người Đức nhập cư đưa vào Thụy Điển. Sau đó, chúng được bày bán ở các chợ trời, nhà thuốc hay tu viện với mục đích chữa bệnh.
Được biết, chiếc bánh gừng hình người đầu tiên được làm dựa theo ý muốn của nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhất. Dần dần, chúng trở nên phổ biến và được bán khắp các tiệm làm bánh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chiếc bánh gừng hình người được lấy cảm hứng từ câu chuyện dành cho trẻ em Mỹ mang tên: "Cậu bé bánh gừng" xuất bản năm 1875.
Nguyên liệu bánh quy gừng không cầu kỳ nhưng để làm ra một chiếc bánh lại đòi hỏi nhiều công phu. Sau khi khối bột hình thành, thợ bánh sẽ dùng khuôn cắt bột thành những hình thù thú vị như: hình người, hình trái tim, hình tuần lộc, hình ngôi sao, hình hoa tuyết... và nướng ở nhiệt độ thích hợp. Chưa kể muốn bánh có màu sắc và hoạ tiết đẹp, người thợ lại phải bỏ nhiều công vẽ. Thế nên mỗi chiếc bánh gừng đều là độc nhất vô nhị.
Bên cạnh đó, những chiếc bánh quy gừng hình ngôi nhà cũng là một món ăn đặc sắc, không nên bỏ lỡ trong dịp Giáng sinh. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì chiếc bánh này lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ Hansel và Gretel của anh em nhà Grimm. Hiện nay, trẻ em trên thế giới đều có thể thưởng thức những chiếc bánh quy gừng thơm lừng và giòn tan trong những ngày cuối năm như một phần quà từ cha mẹ.
Theo thời gian, công thức để làm món bánh quy gừng cũng có nhiều thay đổi. Lúc đầu, chúng chỉ được làm từ những mẩu bánh mì vụn thừa, trộn thêm mật ong và bột gừng. Sau đó, bánh mì dần dần được thay thế bằng bột mì, mật ong được thay thế bằng đường, có nơi còn bỏ thêm trứng gà hoặc bơ để tăng hương vị. Thậm chí, các loại gia vị như: đinh hương, quế, hạt nhục đậu khấu... cũng được xay nhuyễn để thêm vào bột bánh.
Ở nhiều nơi trên thế giới, bánh quy gừng được trưng bày tại các lễ hội ngoài trời trong nhiều giờ nhưng vẫn giữ được độ giòn xốp và thơm lừng. Lý giải điều này, nhiều thợ bánh đã cho biết rằng, họ thường sử dụng gừng, mật ong hoặc mật mía. Sau khi bánh chín thường để thật nguội rồi bảo quản trong túi zip hoặc lọ thủy tinh.
Bằng cách sử dụng những loại gia vị nóng, bánh quy gừng nghiễm nhiên trở thành món ăn yêu thích trong những ngày Giáng sinh lạnh giá. Ở nhiều nước phương Tây, việc tự tay làm và trang trí bánh quy gừng rồi đem tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng là một cách thể hiện tình cảm đối với đối phương. Tùy theo sở thích, bạn có thể trang trí bánh quy với kem tươi, kẹo socola hoặc thậm chí là làm thành một ngôi nhà bánh quy gừng độc đáo.
Bình luận