Thấy con kêu khóc, chị T., mẹ cháu H.V.K. (7 tháng tuổi) chạy lại thì thấy con đang ở cạnh bình ủ sữa đang đổ nước nóng lênh láng. Chị T. hốt hoảng dùng kem đánh răng bôi vào vết bỏng rồi vội vàng đưa con đến bệnh viện.
Tại khoa Bỏng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé K. được chẩn đoán bỏng 5% độ II, III. Các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày. Phải mất 4 tuần điều trị cháu mới có thể ra viện.
Theo chuyên gia, đây chỉ là một trong nhiều tình huống tai nạn sinh hoạt rất đáng tiếc thường gặp ở trẻ em do bỏng gây ra. Lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là 2 đến 5 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.
Tất cả những trường hợp này đều cần được xử trí đúng. Xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.
Bình luận