Theo đó, từ 14/10, Nghị quyết số 127 đã được Chính Phủ ban hành tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Trong Nghị quyết có nêu rõ: “tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10/2021”. Nhưng hiện nay mỗi tỉnh, thành lại tự đặt ra các điều kiện khác nhau để có thể cho học sinh đến trường do có Nghị quyết nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội, dù được đánh giá cấp độ 1 với dịch bệnh nhưng thông báo mới nhất do Sở GD-ĐT Hà Nội phát đi vẫn là “tiếp tục dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới” trên toàn địa bàn thành phố. Nguyên nhân của thông báo này được các lãnh đạo giải thích là do hiện nay, học sinh trên địa bàn vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Do đó, các cơ quan chức năng lo ngại khi một số địa phương khác cho học sinh đến trường và đã có nhiều em mắc Covid-19…
>>> Xem thêm: Hà Nội đề xuất cho học sinh trở lại trường từ 25/10
Một số tỉnh, thành vẫn đóng cổng trường dù đã nhiều tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng. Như tỉnh Hưng Yên chỉ học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh học trực tuyến kết hợp trực tiếp, học sinh các cấp còn lại học trực tuyến, dù đợt dịch lần thứ 4 vừa qua tỉnh này không có các ổ dịch phức tạp hay các ca bệnh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, để tranh thủ thời gian vàng cho học sinh học trực tiếp, vẫn có nhiều địa phương linh hoạt. Như tỉnh Phú Thọ địa phương này mở cửa trường học cho học trực tiếp chương trình chính khóa, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời chú ý việc tăng thời lượng các môn học 1 cách phù hợp, không gây quá tải cho giáo viên, học sinh.
Sau khi phát hiện ca mắc mới tại trường học Phú Thọ, địa phương đã ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, linh hoạt cho từng vùng tại tỉnh học trực tiếp hay trực tuyến.
Trước tình hình mỗi địa phương đưa ra quy định một kiểu, về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, Bộ nêu rõ, với những địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 tức thuộc nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức dạy học trực tiếp; đồng thời để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện...
Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 tức ở nhóm nguy cơ cao, vẫn tiếp tục dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Và dựa trên tình hình thực tế ở địa phương để các cơ quan chức năng quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp 1 cách phù hợp nhất. Với cấp học phổ thông, các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12 cần ưu tiên dạy trực tiếp, trên tinh thần bảo đảm giãn cách phù hợp dựa trên điều kiện cơ sở vật chất cụ thể và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 - mức nguy cơ rất cao, để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học... Bộ yêu cầu cần căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương. Giáo viên hướng dẫn phụ huynh cấp học mầm non và phổ thông, để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp.
Đồng thời Bộ yêu cầu, cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả và an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình. Cũng như có phương án chuyển tài liệu học tập cụ thể đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
Bình luận