Chè đậu xanh hột vịt không phải là một món ăn được bày bán phổ biến tại các tỉnh miền Tây mà chỉ được nấu tại nhà để các thành viên trong gia đình thưởng thức. Có lẽ vì thế mà so với những món chè có sự kết hợp nguyên liệu nấu món mặn độc đáo khác như chè bột lọc heo quay… món ăn này có phần “kín tiếng” hơn hẳn. Ngay cả với người dân Tây Nam Bộ, không phải ai cũng biết món này.
Tuy vậy chè đậu xanh hột vịt vẫn món chè lạ miệng này vẫn có những sự hấp dẫn riêng biệt. Chè đậu xanh hột vịt còn được gọi bằng những cái tên khác như chè hột vịt, chè phổ tai hột vịt. Nguyên liệu chính để làm nên món chè này chính là sự kết hợp độc đáo giữa đậu xanh, hột vịt, nước cốt dừa…
Để nấu món chè đậu xanh hột vịt, người ta sẽ mang đậu xanh đi ngâm cho mềm trước khi nấu. Tuỳ vào sở thích mà người nấu có thể sử dụng đậu xanh nguyên vỏ hoặc đậu xanh cà vỏ. Đậu xanh sau khi được đun chín cùng nước cốt dừa thì sẽ được thêm vào một chút đường trắng để tăng thêm vị ngọt.
Nếu muốn món chè đậu xanh hột vịt thêm ngon và béo ngậy, người nấu sẽ chọn dừa khô, sau đó nạo lấy phần cơm dừa, thêm vào chút nước rồi vắt lấy nước cốt dừa. Thông thường người ta sẽ dùng nước cốt dão (nước thứ 2 trở đi) nấu cùng đậu xanh để chè vừa có mùi thơm vừa có độ béo hấp dẫn.
Khi phần chè đã gần như hoàn toàn, trứng mới được thêm vào. Trứng sống sẽ được đập vỏ, thả trực tiếp vào nồi chè rồi dùng nhiệt để chín từ từ. Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, thế nhưng món chè đậu xanh hột vịt phải kiên nhẫn đợi cho trứng đông lại và chín hẳn thì mới dùng thìa khuấy đều, nhẹ nhàng. Ngoài ra cũng cần canh thời gian trứng chín tới để không bị lòng đào hay khô xác. Tuy nhiên, nếu không phải là một người khéo léo, bạn cũng có thể luộc trước hột vịt rồi bóc vỏ và thả vào nồi chè
Ngoài đậu xanh, trứng vịt thì nhiều người còn thêm phổ tai thái sợi, gừng xắt sợi chỉ… vào nấu cùng. Sau khi kiểm tra thấy hột vịt đã chín, đậu xanh cũng ngọt mềm thì đợi cho nồi chè sôi to lên rồi cho nước cốt dừa lần đầu vào, khuấy nhẹ và tắt bếp.
Món chè đậu xanh hột vịt ngon nhất khi được sử dụng nóng để tránh hột vịt bị tanh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của nước cốt dừa, giòn giòn của phổ tai, ngọt bùi của đậu xanh và hột vịt bùi béo.
Dù cảm quan đầu tiên của món chè này không hẳn thu hút hay khiến nhiều người muốn nếm thử. Tuy nhiên với những người đã dám thử, món chè này là sự kết hợp thú vị và có vị ngon rất riêng.
Bình luận