Khi nhắc đến tên gọi chè lam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một thứ nước uống được nấu từ lá chè hoặc một món chè ngọt ăn kèm đá. Thế nhưng chè lam thực chất là một loại bánh được làm thủ công bằng những nguyên liệu quen thuộc như mạch nha, đường mía, bột nếp, lạc rang, gừng…
Trước đây chè lam là một món ngọt thường xuyết hiện trong các dịp lễ, Tết ở miền Bắc. Tuy nhiên bây giờ bạn có thể tìm mua món ăn này ở nhiều nơi và hầu hết các khoảng thời gian trong năm. Mặc dù chè làm có mặt ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng và được đánh giá ngon nhất là ở Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội; làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội và Phủ Quảng, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.
Theo nhiều người lớn tuổi ở Thạch Xá, Thạch Thất thì chè lam ra đời do như một sản vật địa phương mà người dân ở đây muốn dâng cúng các bậc linh thiêng. Đặc biệt vào khoảng thế kỉ 15, khi nghĩa quân Lam Sơn đi qua, người dân làng Thạch Xá đã tặng chè lam cho họ để làm lương thực dài ngày.
Món chè lam có cách làm đơn giản, tuy nhiên để làm được những phong chè lam ngon thì người ta phải lựa chọn nguyên liệu khá tỉ mỉ. Nếp cái hoa vàng là loại nếp được dùng làm chè lam, hạt gạo phải căng mẩy, khi rang sẽ có mùi thơm nức mũi. Sau khi rang xong, người ta sẽ mang chúng đi xay thành dạng bột mịn, bột càng mịn thì bánh làm ra càng dẻo và ngon.
Gừng cũng là một nguyên liệu quan trọng khi làm chè lam. Loại gừng được chọn là những củ già, sau khi được cạo sạch vỏ thì sẽ được đem đi luộc chín, giã nhỏ hoặc cắt mỏng trước khi trộn cùng nguyên liệu khác. Khi ăn chè lam, bạn sẽ thấy món ăn có vị ngọt thanh và đậm thơm. Có lẽ do sử dụng mật mía nên bánh không bị ngọt gắt như vậy.
Để làm chè lam, người ta sẽ cho mạch nha, mật mía, gừng và nước lọc vào đun sôi. Tiếp đó thêm vào bột gạo nếp, lạc rang và đảo đều tay để bột không bị cháy và không dính. Đây là một công đoạn khá khó và đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm lâu năm. Nếu quá ít bột thì chè lam sẽ bị dính, còn nếu nhiều bột quá thì bánh nhanh cứng và không ngon. Sau đó họ rải một lớp bột nếp rang lên khay và đổ mẻ chè lam vừa hoàn thành lên rồi để nguội. Khi bánh đã nguội hẳn, chè lam được cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn, vừa cắt người làm bánh vừa xoa thêm một lớp bột để bánh không dính vào nhau.
Chè lam thường được dùng cùng một chén trà nóng, vừa nhấm nháp một miếng chè lam thơm dẻo vừa uống một ngụm trà hơi chát, thơm nồng sẽ là một sự kết hợp khá thú vị mà bạn nên thử khi thưởng thức món bánh quê dân dã này.
Bình luận