Bánh nậm, món bánh dân dã nhưng là đặc sản làm nên hương vị ẩm thực Huế

Rin Chen Đăng lúc: Thứ hai, 24/01/2022 18:08 (GMT +7)
Cùng với các món bánh như bánh khoái, bánh ram ít, bánh bột lọc… bánh nậm cũng là một món bánh được nhiều người yêu thích khi đến Huế.
Hashtag #Đặc sản Huế #Ẩm thực Huế #Du lịch Huế #Các món bánh Việt Nam #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Khi nhắc đến ẩm thực Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món ăn đậm đà, là sự kết hợp hài hoà giữa hương vị, cách trình bày và sự đa dạng. Không chỉ nổi tiếng với bún bò, cơm hến… ẩm thực Huế còn khiến nhiều người phải lòng với những món bánh nhỏ xinh như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ram ít và bánh nậm.

Những món bánh đặc sản của Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh ram ít, bánh bột lọc...
Những món bánh đặc sản của Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh ram ít, bánh bột lọc...

Nguồn gốc bánh nậm

Bánh nậm được cho rằng có nguồn gốc từ làng Nam Phổ, Phú Thượng, nơi đây cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km. Sau khi phổ biến ở làng Nam Phổ, bánh nậm dần được mang đi bán trên khắp các con đường ở Huế và nhanh chóng trở thành món ăn yêu thích của nhiều người dân Cố đô.

Ảnh: @anananfoodie.
Ảnh: @anananfoodie.

Đặc điểm của bánh nậm

Giống như một vài loại bánh khác, bánh nậm cũng được gói trong lá chuối. Bánh nậm nổi bật với màu trắng từ bột gạo và bên trên là phần nhân tôm thịt được trải đều hấp dẫn. Mỗi chiếc bánh nậm chỉ dày khoảng 1cm nên khá dễ ăn và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể “phải lòng” món bánh mềm thơm và thoang thoảng vị tôm này.

Ảnh: @peterscocina.
Ảnh: @peterscocina.

Cách làm bánh nậm

Nguyên liệu chính để làm bánh nậm khá đơn giản, chỉ gồm có bột gạo, tôm, thịt và lớp vỏ ngoài bằng lá chuối. Thế nhưng để làm ra một chiếc bánh này, người làm bánh sẽ phải có những bí quyết chọn bột gạo và khuấy bột. 

Bột gạo sau khi mua về sẽ được hoà tan cùng nước và thêm vào các gia vị như dầu ăn, bột ngọt, muối. Sau đó người ta sẽ đun trên lửa nhỏ, khuấy đều tay để tránh làm bột bị dính hoặc nổi cục. Khi bột đặc lại, người làm bánh sẽ tắt bếp nhưng vẫn khuấy liên tục cho đến khi bột nguội hẳn mới thôi. Phần bột có độ đặc vừa phải, không bị cứng cũng không chảy thì mới được coi là đạt yêu cầu.

Thông thường, phần nhân bánh nậm sẽ là tôm và thịt lợn ba chỉ xay nhuyễn. Sau khi sơ chế xong, các nguyên liệu này sẽ được cho thêm hạt tiêu, nước mắm và đem đi xào kĩ.

Những chiếc bánh nậm được gói thành hình chữ nhật và mang đi hấp cách thuỷ.
Những chiếc bánh nậm được gói thành hình chữ nhật và mang đi hấp cách thuỷ.

Khi đã chuẩn bị xong lá chuối, người làm bánh sẽ quét một lớp dầu mỏng lên lá rồi trải một lớp bột mỏng dày 1cm theo hình chữ nhật. Nhân tôm thịt cũng sẽ được rải đều theo chiều dọc bánh và cuối cùng là gấp chiếc bánh để tạo thành hình chữ nhật.

Bánh nậm thường được hấp cách thuỷ trong khoảng 20 phút. Thời gian này đủ để bánh vẫn giữ được màu xanh của lá gói, chín mềm mà không bị bở. Bánh nậm Huế thường được ăn kèm nước mắm đường pha thêm chút chanh và ớt.

Ngoài bánh nậm nhân tôm thịt thì người Huế còn có món bánh nậm nhân đậu xanh dành cho người ăn chay hay để bán những ngày rằm, mùng một.

Ảnh: @cookingwithmamamui.
Ảnh: @cookingwithmamamui.

Một số địa chỉ bán bánh nậm ngon ở Huế

- Bánh bèo nậm lọc Bà Đỏ - 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Hiệp, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

- Quán bánh Chi - 52 Lê Viết Lượng, Xuân Phú, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

- Quán Hạnh –  11-15 Phó Đức Chính, Phú Hội, Huế

 

Ăn chay, nét văn hóa ẩm thực thú vị của Cố đô Huế Mè xửng, từ món đặc sản bình dân đến thức quà nhìn là thấy Cố đô Huế Bún nghệ xào lòng, món ngon lạ miệng, bổ dưỡng xứ Huế
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp