Một xu hướng được gọi là Retro khi nó phải diễn ra trước ít nhất 20 tới 30 năm so với thời điểm hiện tại. Mỗi thập niên thường có một phong cách Retro look đặc trưng. Nó thể hiện tình hình xã hội, kinh tế, hoặc những sự kiện mang quy mô toàn cầu (ví dụ như thế chiến).
Trước 1920, chuẩn mực về vẻ đẹp của phái nữ dựa trên những vòng eo con kiến được siết chặt bằng áo corset. Nhưng tới những năm 1920, xu hướng flapper lên ngôi. Các cô gái bỗng chốc ưa chuộng thân hình thẳng dẹp và có phần nam tính. Nếu trước kia phụ nữ phải gây thu hút bằng đường cong quyến rũ, thì giờ đây họ lại hút hồn người đối diện bằng sự nhí nhảnh, những vũ điệu và những tua rua chuyển động nhịp nhàng trên trang phục.
Nhìn chung, phong cách Retro vào thập niên 1920s được định hình bằng những loại trang phục như váy suông, gấu váy có gắn tua rua.
Đầu những năm 1930, phố Wall rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nặng nề. Cuối thập niên 1930s, thế chiến II bùng nổ. Vào thời điểm này, sự xa hoa của thập niên 1930s biến mất, thay vào đó là vẻ lãng mạn xa xưa. Các cô nàng bắt đầu chuyển sang những chiếc đầm bó sát đầy quyến rũ, bên cạnh kiểu tóc xoăn đặc trưng của những cô đào Hollywood.
Trang phục định hình phong cách Retro của thập niên 1930s bao gồm đầm slip dress ôm lấy cơ thể, phối cùng nón vành nhỏ (fedora) và găng tay.
Trong suốt thời gian xảy ra thế chiến II, nguyên vật liệu trở nên khan hiếm, khiến con người phải tiết kiệm tối đa bằng cách tái chế trang phục cũ. Lúc bấy giờ, phụ nữ cũng gia nhập giới lao động, nên những loại trang phục tiện lợi và dễ vận động như áo blazer và chân váy ngắn trên gối dần trở nên phổ biến.
Sau khi thế chiến II kết thúc, xã hội bước vào thời kỳ phát triển vượt bậc. Các nước đồng minh giàu lên nhanh chóng. Phong cách thời trang của giới thượng lưu luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Một trong những phong cách thời trang nổi tiếng với giới trẻ khi đó chính là Ivy League.
Ivy League là 8 ngôi trường đại học hạng sang của Mỹ, chỉ dành cho các nam sinh thuộc tầng lớp thượng lưu. Những nam sinh này mặc quần tây, áo vest và giày lười (loafer). Thế nhưng trông họ vẫn khá casual khi phối cùng sweater vest, bỏ cà vạt và chọn kiểu quần tây ống cao.
Trang phục phổ biến mang phong cách Retro thập niên 1940s là áo sơ mi mặc cùng sweater vest và blazer, quần chinos, giày lười (loafer).
Hậu thế chiến II, thế giới không ngừng phát triển mạnh mẽ. Lúc này, rất nhiều phụ nữ muốn duy trì công việc văn phòng giống thời điểm xảy ra chiến tranh. Bởi vậy, họ biến tấu phong cách Ivy League của nam giới, bỏ qua váy áo rườm rà mà mặc đồng phục của phái nam như áo sơ mi, quần ống suông và áo vest.
Một nhóm người khác thì quay lại với phong cách mộng mơ. Đó chính là những người phụ nữ yêu thích thiết kế New Look của Christian Dior. Hình ảnh của các quý cô vào thập niên 1950s gắn liền với eo chít nhỏ, chân váy midi xoè rộng.
Trang phục định hình phong cách Retro thập niên 1950s là những chiếc váy midi (đến ngang bắp đùi), chít eo và phối cùng áo sơ mi, mũ rộng vành, găng tay.
Phong cách thời trang hippie bắt nguồn từ quận Haight–Ashbury của San Francisco, và sau đó lan rộng ra các nước phương Tây. Hippe được tách ra từ cụm từ Hipster trong phong cách thời trang cổ điển, mô tả sở thích của giới với những trang phục cũ kỹ và lòe loẹt.
Trên thực tế, phong cách hippie từng được xếp vào làn sóng Anti–Fashion (phản thời trang), bởi người ta cho rằng trông nó thật quái gở và nổi loạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lan rộng, hippie thường được nhắc đến trên các kênh truyền thông của những nước phát triển.
Những kiểu trang phục đặc trưng của phong cách Retro thập niên 1960s bao gồm đầm maxi bằng chất liệu mỏng nhẹ, quần ống loe, trang phục thường có những loại hoa văn sặc sỡ.
Ngoài xu hướng thời trang hippie, thập niên 1960s còn gắn liền với một phong cách Retro khác: Mod Style. Xuất hiện từ năm 1958 tại xứ sở sương mù, Mod đại diện cho phong cách sống của một nhóm giới trẻ ở Anh - những người có sở thích nghe nhạc Jazz và đam mê thời trang. Phong cách Mod chịu ảnh hưởng khá nhiều từ lối ăn mặc của người Ý, nhấn mạnh vào sự đơn giản và văn minh, phom dáng gọn gàng và tập trung tiểu tiết.
Mod style của thập niên 1960s gắn liền với những chiếc đầm suông, chân váy chữ A hoặc chân váy mini mang hoa văn nổi bật. Tuy nhiên, trang phục kinh điển nhất lúc bấy giờ là thiết kế đầm suông in hoạ tiết Mondrian của Yves Saint Laurent vào năm 1965.
Thời trang vào những năm 1970 là phong cách được Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele từ Gucci yêu thích nhất. Thập niên 1970s có rất nhiều trào lưu, nhưng có lẽ phong cách disco chính là trào lưu ấn tượng nhất của giai đoạn này.
Phong cách Retro của thập niên 1970s được định hình bởi những kiểu trang phục như: trang phục ánh kim, đầm mỏng và rủ, đầm ngắn, quần ống loe vải bóng, trang sức lấp lánh...
Cụm từ Geek Chic nói tới phong cách của các cô nàng mọt sách, mang những cặp kính quá khổ. Những người này thường xuyên đắm chìm trong sách vở, mà ít để ý tới thế giới bên ngoài. Vì vậy, cô gái Geek thường bị người khác gán ghép cho tính cách lập dị và lỗi thời.
Tới năm 2000, Geek Chic trở thành phong cách phổ biến, thậm chí còn được liệt kê vào văn hóa đại chúng (popular culture) ở châu Mỹ. Trang phục mang phong cách Geek Chic không quá cầu kỳ trong phom dáng, giống như tính cách nội tâm của những cô nàng Geek. Đôi khi, hình ảnh những cô gái Geek được lấy làm hình ảnh châm biếm trong một số tác phẩm nghệ thuật.
Trang phục đại diện cho phong cách Retro thập niên 1990s bao gồm cặp kính ngố, nón beret, đôi tất dài qua gối.
Bình luận