Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng

Lâm Nguyễn Đăng lúc: Thứ năm, 17/12/2020 09:50 (GMT +7)
Nội y định dáng hé lộ rất nhiều điều về chuẩn mực vẻ đẹp của phụ nữ phương Tây. Cùng khám phá lịch sử của loại trang phục này.
Hashtag #Lịch sử thời trang #Từ điển thời trang #Nội y #BEAUTORY #Thời trang

Nội y định dáng là loại quần áo mặc bên trong giúp tạo hình và làm phẳng các bắp thịt của cơ thể. Nội y định dáng thường được xem là "tra tấn" con người, nhưng trên thực tế nếu biết cách thì nó vô cùng thiết thực. Đặc biệt là ngày nay quần áo định dáng có thể độn mông, nâng ngực, làm nhỏ vòng eo.

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 1

Thoạt nhìn thì nhiều người sẽ nghĩ rằng nội y định dáng là sản phẩm được phát minh vào thế kỷ 20. Nhắc tới nội y định dáng, quần gen, áo bó, tất cả chúng ta thường nghĩ đến Spanx - một trong các thương hiệu thời trang phát triển nhanh nhất mọi thời đại sau khi ra mắt vào năm 2000. Tuy nhiên, trên thực tế, nội y định dáng đã được phụ nữ (thậm chí là cả đàn ông) sử dụng từ hàng ngàn năm trước. Những cột mốc lịch sử của nội y định dáng cũng hé lộ cho ta nhiều điều về chuẩn mực cái đẹp ở phương Tây vào các thời kỳ các nhau.

Nội y định dáng cho thấy sự khác biệt giữa nền văn hoá Âu - Á

Từ hàng ngàn năm trước công nguyên, những người phương Tây đã cho rằng cơ thể phụ nữ vô cùng hấp dẫn. Bởi vậy trang phục của phương Tây thường tập trung vào việc khoe đường cong cơ thể, dù cho chất liệu có dày hay mỏng. 

Người châu Á lại có quan điểm hoàn toàn khác biệt. Nội y của phụ nữ châu Á chỉ mang mục đích che đi những nơi nhạy cảm của cơ thể, chứ không hề có tác dụng tôn dáng. Ví dụ như áo yếm của Việt Nam, Trung Quốc, hay kosode của Nhật Bản đều thẳng đuột và che đi cơ thể.

Vậy nên, nói tới lịch sử nội y định hình cũng có nghĩa là nói hoàn toàn tới quan niệm về cái đẹp của các nước phương Tây.

Quần áo định dáng từ thời cổ đại

Kiểu trang phục định dáng đầu tiên xuất hiện là một chiếc corset lai đai lưng. Người ta đã phát hiện ra nó tại Đảo Crete (gần Hy Lạp cổ đại) khoảng 1600 năm trước Công Nguyên. Nếu gọi nó là nội y thì không thật sự chính xác vì nó trùm ra ngoài quần áo, nhưng được siết chặt phần eo và để hở ngực. Có thể thấy rằng người dân Crete lúc đó cũng đã yêu thích eo nhỏ, ngực to.

Sang tới Hy Lạp cổ đại, phụ nữ sử dụng một vành đai quấn dưới ngực nhằm tạo hình cho trang phục. Dây đai đó có thể là đai kim loại, nịt da hay nịt vải. Mặc dù không bó bụng nhưng phần nịt này vẫn có thể tạo ra sự khác biệt giữa eo và ngực.

Khác với Hy Lạp cổ đại hay Đảo Crete ưa thích ngực lớn thì Đế chế La Mã lại muốn có bộ hông to. Phụ nữ của La Mã cổ đại từng mặc những chiếc áo bó ngực và eo để trông hông có vẻ nở hơn.

Quan điểm cái đẹp thời Trung Cổ: Dáng người đồng hồ cát

Yếu tố lớn góp phần tạo ra quần áo định dáng là kỹ thuật may đo (taileur). Kỹ thuật may đo được cải thiện từ thế kỷ 13 là tiền đề cho sự ra đời của những bộ trang phục ôm khít với cơ thể. Không còn phải quấn vải quanh cơ thể để tạo dáng nữa, mà giờ đây trang phục cũng có thể bó sát, tôn lên vóc dáng gợi cảm của phụ nữ và cơ bắp rắn chắc của đàn ông.

Con người lúc đó chỉ đơn giản là mặc quần áo bó hơn. Áo thường được làm từ nhiều lớp vải, xỏ dây sau lưng, hồ keo. Người Trung Cổ cho rằng phụ nữ có dáng người đồng hồ cát mới là đẹp. Họ không nhất thiết phải gầy, miễn sao là tỉ lệ cơ thể trông giống đồng hồ cát rõ rệt. Những chiếc áo bustier của lúc bấy giờ chính là tiền thân của chiếc corset ở các thế kỷ sau.

Thế kỷ 16: Bộ mông to mới là đẹp

Vào những năm 1500, quan điểm về cái đẹp hình thể lại khá là kì quặc. Ở phần thân trên, phụ nữ sẽ mặc chiếc áo bustier có hình tam giác ngược, ép chặt phần ngực và bó thẳng xuống eo. Ở phần thân dưới, họ phải mặc chiếc váy xoè ngang bè càng to càng tốt. Người ta tin rằng dáng người như này sẽ mắn đẻ, giúp các cô gái có vẻ mị hoặc.

Ảnh: Harper's Bazaar
Ảnh: Harper's Bazaar

Để giúp bó chặt cơ thể hơn, áo bustier được kết hợp với sườn thép, gỗ hay xương cá voi. Và thế là chiếc áo corset đầu tiên ra đời. Chúng được  triều đình Ý, Pháp và Anh vô cùng ưa chuộng. 

Xương cá voi được sử dụng để củng cố corset
Xương cá voi được sử dụng để củng cố corset

Thế kỷ 18, thời kỳ của Cách mạng công nghiệp song song với sự nới lỏng

Thế kỷ 18 chính là thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp. Từ năm 1760 ở Anh Quốc, các nhà máy, xí nghiệp lớn liên tục xuất hiện. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều phải đi làm. Bởi vậy, những chiếc áo corset lúc bấy giờ không thể bó quá chặt nếu không sẽ khiến phụ nữ thấy khó thở. Phần sườn áo cũng bỏ bớt nẹp sắt hay gỗ, và được lót thêm cotton, lụa hoặc linen. Tác dụng chính của áo corset thời này là để nâng đỡ ngực và lưng, góp phần tạo dáng đứng thẳng cho phụ nữ.

Thế kỷ 19: Những thay đổi cực đoan

Dưới thời của nữ hoàng Victoria, người ta đề cao sự e lệ của nữ giới. Một dáng hình đẹp chuẩn mực là phải bao gồm bộ ngực tròn lẳn được nâng cao, vòng eo nhỏ như kiến, và phần hông nảy nở. Và vẻ đẹp như này chỉ có thể được hiện thực hoá với những chiếc corset cực kì bó. Nó bó tới nỗi phụ nữ không thể tự mặc vào mà phải nhờ người khác tròng corset vào thân.

Vòng eo nhỏ bất thường của phụ nữ lúc bấy giờ
Vòng eo nhỏ bất thường của phụ nữ lúc bấy giờ

Cũng vào lúc này, nhờ sự phát triển của công nghệ, người ta đã sử dụng dây kim loại thay thế cho xương cá voi. Phía trước corset được gắn yếm kim loại, giúp nó cứng và không bị hở. Có thể nói rằng thế kỷ 19 là lúc corset đạt tới sự phát triển đỉnh cao nhưng lại thiếu thực tế. 

Sự đấu tranh của phụ nữ vào thế kỷ 20

Việc thắt những chiếc áo corset quá chặt đã đem lại nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ của phụ nữ. Rất nhiều người đã bị ép dẹp nội tạng, xương sống bị bẻ quặt, khó thụ thai... Và lúc này phong trào đấu tranh nữ quyền diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Họ mong có tiếng nói trong đời sống riêng tư và xã hội, được thăng tiến trong công việc, giải thoát khỏi những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Trong bối cảnh này, một chiếc corset hình chữ S ra đời. Nó đẩy ngực ra phía trước và hông ra phía sau. Vào đầu những năm 1900, Inès Gaches-Sarraute - một nhà sản xuất corset có bằng cấp y tế đã ủng hộ kiểu corset này, là minh chứng cho việc dáng người ngày càng bình thường hóa.

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 5

Phom dáng hao gầy của Flapper trong thập niên 1920

Chiến tranh thế giới lần I nổ ra (1914 – 1918) kéo theo việc khan hiếm sắt thép. Áo corset bị cấm sản xuất, để dành sắt thép phục vụ cho chiến tranh. Giờ đây, phụ nữ trở về với dáng hình vốn có: phần eo không quá nhỏ so  với mông và ngực. Và thế là dáng người boyish, gầy ốm lại trở nên thịnh hành.

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 6

Tuy những chiếc corset tạo eo thon biến mất nhưng lại xuất hiện một số kiểu nội y bằng vải bó cho ngực lép. Trái ngược hoàn toàn so với trước đây, quần áo định dáng lại trở thành đồ giảm đường cong cơ thể thay vì phô bày chúng. Đây cũng là tiền đề làm nên chiếc áo ngực vải mỏng của hiện đại.

Hậu Thế chiến II: Nội y định dáng đương đại xuất hiện

Giống với Chiến tranh thế giới I, sự khan hiếm về chất liệu khiến các sản phẩm nội y định dáng phải thay đổi. Người ta phải dùng ít chất liệu hơn, mỏng hơn, rẻ tiền hơn để sản xuất, nhưng vẫn phải đảm bảo áo có khả năng giữ phom dáng gầy ốm cho phụ nữ - một xu hướng chưa hề nhạt phai từ những năm 1920. Vậy là một sản phẩm nội y định dáng kéo dài từ thân trên xuống quá hông, làm bằng vải co dãn, nhẹ nhưng vẫn rất bó - rất giống với Spanx ngày nay được ra đời.

Dáng người đồng hồ cát quay lại vào thập niên 1950

Từ năm 1950 trở đi, quan niệm về thân hình đẹp lại trở thành vừa ốm, vừa phải có dáng đồng hồ cát, vừa vẫn phải mảnh mai. Bởi vậy, nội y định dáng lúc bấy giờ có phần ngực và mông được độn, nhưng vẫn bó chặt vào cơ thể của phụ nữ. Đây chính là thời điểm ngực bồ câu xuất hiện.

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 7

Khi nhà mốt Christian Dior ra mắt bộ sưu tập New Look, quần độn mông và những loại nịt eo cũng được giới thiệu, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho hình ảnh người phụ nữ mang dáng hình (silhouette) đồng hồ cát kinh điển.

Thập niên 1960: Nội y định dáng biến mất

Ở những năm về sau, chân váy ngắn càng ngày được ưa chuộng, kéo theo sự ra đời của quần tất (pantyhose). Những loại quần áo có phom dáng thoải mái, giải phóng phụ nữ khỏi sự bó chặt khiến nội y định dáng dần trở nên lỗi thời. Quan điểm về việc sở hữu một cơ thể săn chắc mà không cần tới sự trợ giúp của nội y bắt đầu phổ biến. Dần dà, nội y định dáng biến mất hoàn toàn.

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 8

Từ năm 1990 đến 2010: Phom dáng siêu gầy "lên ngôi"

Trong suốt một thời gian dài, người ta vẫn vô cùng yêu thích dáng vẻ mình hạc xương mai. Tới những năm 1990, các siêu mẫu mong manh đã khiến nội y định dáng quay trở lại. Tuy nhiên các sản phẩm nội y định dáng lúc này mới mẻ và dẻo dai hơn so với các thập kỷ trước. Quần áo hình ống có thể được dệt mà không có đường may, hòa lẫn vào cơ thể đến mức gần như vô hình. Năm 2000, Spanx ra đời.

Quần áo định dáng co giãn và bền chặt hơn nhờ sợi vải như sợi tổng hợp, sợi nylon. Tuy nhiên, những loại quần áo định dáng của các thế hệ trước lại không hoàn toàn biến mất. Corset vẫn là một trong những item được giới thời trang yêu thích, được cách tân để có thể mặc bên trong lẫn bên ngoài trang phục. Áo bustier vẫn hiện diện trong tủ đồ của các cô dâu. Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất chính là ngày nay chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn về kiểu dáng lẫn màu sắc. 

Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng - Ảnh 9

 

Sự bình đẳng trong làng thời trang: Đâu là những cột mốc quan trọng? Lịch sử chinh phục làng thời trang của trang phục mặc nhà Xu hướng thời trang bền vững với 4 chất liệu vải thân thiện với môi trường Tại sao trong lịch sử thời trang Việt, chỉ có quý tộc mới mặc màu vàng?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp