Phú Thọ vốn nổi danh với những rừng cọ xanh bát ngát. Ở nơi đây, cuộc sống của người dân gắn liền với cọ, họ sáng tạo ra rất nhiều món ăn từ cọ, một trong số đó là cọ ỏm. Để làm cọ ỏm, người ta lựa chọn những quả cọ chín già, tròn, đầy, đều, bóng. Sau đó, lớp vỏ cọ bên ngoài được cạo bỏ và quả cọ được đem luộc chín thành món cọ ỏm trứ danh.
Cọ ỏm phía ngoài đen bóng, ở trong phần cùi dày, bùi và vàng ươm. Khi ăn cọ tỏa ra mùi hương thơm đặc trưng, chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng càng dậy lên vị thơm bùi.
Bánh tai là thức quà ăn sáng quen thuộc của người dân Phú Thọ và cũng thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ cưới, cỗ, tiệc ở nơi đây. Vỏ bánh làm từ gạo tẻ ngon dẻo, ngâm nước từ 3 tới 5 tiếng cho mềm rồi nghiền thành bột mịn. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai xay trộn với hành tím bằm nhuyễn, muối tiêu.
Bánh được nặn thành hình cong cong giống chiếc tai rồi đem hấp cách thủy trên tấm phên đục lỗ. Bánh ăn khi nóng cùng với nước chấm cay pha sẵn hoặc cùng cháo trắng vào mùa đông vô cùng đậm đà.
Rêu đá
Rêu đá là món ăn đặc sản, lấy từ đá men suối có nước trong veo, mát rượi. Người dân chỉ hái phần thân non tơ và phải lựa chiều nước chảy để rêu không nát. Sau đó, họ vò sạch, lấy dui gỗ đập thật mạnh để rũ cát bám, tỉ mẩn vạch từng cọng rêu để loại bỏ cỏ rác, sỏi đá.
Khi chế biến, họ gia tăng gia vị bằng hỗn hợp tỏi băm, hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, gừng, lá chanh, lá đu đủ, nêm thêm chút mắm muối. Rêu ăn thơm và mát, là phương thuốc chữa bệnh, lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt.
Thịt chua
Thịt chua là đặc sản của người Mường ở Phú Thọ. Nguyên liệu chính của món ăn này là lợn mán, được thả rông trên đồi, chủ yếu ăn rau củ, măng rừng mà lớn. Thịt sau khi sơ chế lọc bớt gân, mỡ thì được nướng sơ trên chảo gang để phần bên ngoài chín sơ và có mùi thơm, phần bên trong còn sống sẽ lên men chua.
Trước khi ủ, người ta trộn thịt với thính từ gạo, ngô sạch đem rang vừa tới. Thịt được nhồi trong ống nứa, lót quanh bằng lá ổi và đem ủ khoảng 3 – 4 ngày thì ăn được. Khi ăn dọn kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi, chấm cùng tương ớt cho đậm vị.
Cơn nắm lá cọ
"Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh.”
Người Phú Thọ trân quý món ăn này tới mức có hẳn một câu ca dao về nó. Cơm nắm được nấu từ gạo dẻo thơm, đặc biệt là dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời để tăng thêm hương vị. Để nắm cơm, người ta dùng lá cọ vẫn còn bánh tẻ hơ qua lửa cho mềm, cắt thành khối vuông vức.
Sau khi cơm chín họ dùng khăn ướt nắm tròn lại, lăn kĩ cho nhuyễn, bóp chặt để hạt cơm kết dính chặt vào nhau. Sau đó cơm được chia nhỏ, cho vào lá cọ, buộc túm lại, lăn qua lăn lại cho thật chặt, cho cơm chắc và bám vào lá và để nguội dùng dần. Cơm nắm lá cọ thường dùng cùng với muối vừng hoặc thịt lợn rang khô.
Bình luận