Dựa vào kết quả sơ bộ của bản Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê thì hết năm 2020, do chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên hầu hết mức thu nhập của người dân trên các địa phương đều sụt giảm so với năm 2019. Tuy nhiên đáng mừng là tỷ lệ hộ nghèo vẫn tiếp tục giảm nhờ các chính sách an sinh xã hội đúng đắn của Chính phủ.
Ngoài các vấn đề tồn đọng vẫn hết sức nan giải như sự cách biệt giữa mức sống của thành thị và nông thôn, phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư thì dựa trên số lượng và tỷ lệ hộ nghèo còn tồn tại ở các địa phương, có thể cho biết được rằng. Nơi nào là "sung túc" nhất và nơi nào là "nghèo khó" nhất trên cả nước trong năm 2020.
Đáp án cho câu hỏi địa phương nào "giàu" nhất: Đó chính là thành phố Hồ Chí Minh, với tỷ lệ hộ nghèo là 0%. Tức là trên địa bàn thành phố mang tên Bác thì đời sống người dân đều ở mức từ trung bình đến cao chứ không có mức dưới trung bình xuất hiện.
Trong top 3 địa phương có số hộ nghèo ít nhất thì Bình Dương, quán quân của năm 2019 đã tụt xuống vị trí số 2 với tỷ lệ hộ nghèo là 0,1%, xếp ngay sau là Đồng Nai với 0,3%. Cả hai địa phương này đều là những thành phố công nghiệp vệ tinh nổi tiếng của TP.HCM.
Thủ đô Hà Nội đồng hạng 4 với Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Nẵng với 0,5% hộ nghèo. Xếp kế tiếp là những cái tên Bắc Ninh, Hải Phòng, Tây Ninh và Bình Thuận với mức hộ nghèo lần lượt là 0,7%; 0,9%;1,1% và 1,6%.
Đối với câu hỏi địa phương nào "nghèo" nhất: Câu trả lời là tỉnh Điện Biên, với 36,7% số hộ dân sinh sống ở mức đánh giá là hộ nghèo, tức là gấp gần 9 lần tỷ lệ hộ nghèo trung bình trên cả nước là 4,8%. Trong danh sách "không ai muốn có tên" này thì có đến 8/10 cái tên thuộc về vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Với mức tỷ lệ hộ nghèo trung bình trên cả nước là 4,8%, thì năm 2020, tỷ lệ số hộ nghèo đã giảm 0,9 phần trăm so với năm 2019.
Theo Hệ số GINI (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) thì mức tính khoảng cách thu nhập trên đầu người ở Việt Nam năm 2020 là 0,373, thấp hơn GINI giai đoạn từ 2014 đến 2018 0,4 đơn vị, song vẫn giữ được mức bất bình đẳng trung bình.
Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị là khá nhiều, sự chênh lệch giàu nghèo xa nhất ở ở các khu vực thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, kế đó là vùng Tây Nguyên. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có thu nhập của người dân "sàn sàn" nhau nhất trên cả nước.
Bình luận