Vân Khánh - vai diễn của Lan Phương trong Thương ngày nắng về - trở thành cái tên được bàn luận khắp MXH lẫn đời thường suốt nhiều tháng qua. Đặt sang một bên câu chuyện mẹ chồng - con dâu, chị chồng - em dâu chưa bao giờ hết thời sự, diễn xuất của Lan Phương trong phim khiến khán giả phải tâm đắc mà khóc cười cùng cô. Nhưng khen Lan Phương diễn hay, với những ai đã theo dõi và mến mộ cô suốt 20 năm qua, dường như là một điều thừa thãi, hoặc là một lời khen không tương xứng.
Lan Phương, trước khi ra Bắc theo tiếng gọi của tình yêu, là ngôi sao của sân khấu kịch Sài Gòn. Trên thánh đường nghệ thuật, diễn xuất của cô chinh phục tất cả những khán giả khó tính nhất và những nhà chuyên môn khắt khe nhất. Muốn biết Lan Phương diễn hay như thế nào thì phải xem Lan Phương đóng kịch.
Muốn biết Lan Phương đa tài như thế nào thì phải xem Lan Phương trên sân khấu: nơi cô múa như một diễn viên múa và khiêu vũ như một nghệ sĩ dancesport. Cũng chính Lan Phương khi mới ngoài 20 tuổi đã thành lập một sân khấu riêng mang tên Đông Tây, nơi cô biên kịch và đạo diễn các vở kịch kinh điển của châu Âu.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, Lan Phương mang kịch đi khắp thế giới diễn bằng tiếng Việt, tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Cô đóng cả phim truyền hình dài tập của Áo - Đức. Gia tài giải thưởng đủ để bất cứ diễn viên nào cũng mơ ước. Thế nhưng, chưa một lần Lan Phương bị mắc kẹt trong hào quang của mình. Lan Phương nói, cuộc sống với cô là hành trình chinh phục những đỉnh núi, từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, và không dừng lại.
Cuộc trò chuyện với Lan Phương diễn ra không quá vội nhưng cũng chẳng đủ lâu trong nhà hàng của cô ở Hà Nội. Một nhà hàng mở vào giữa mùa dịch bệnh, và vào đúng thời điểm cô nhận kịch bản Thương ngày nắng về trong tay.
“Vừa đóng phim, vừa khởi nghiệp, vừa làm mẹ khiến tôi có thời gian bị suy kiệt sức khỏe. 3 lần tôi phải đi bệnh viện vì quá mệt, mệt đến mức không thở được”, Lan Phương kể. Nhưng giờ đây, cô tràn đầy sinh lực, hào hứng và tự tin khi chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc hiện tại - cuộc sống của một mẹ, một người vợ, một doanh nhân và một nghệ sĩ sống hết mình trong từng thước phim.
Khán giả đang dành rất nhiều lời khen cho diễn xuất ấn tượng của Lan Phương trong vai Vân Khánh. Nhưng với những ai đã theo dõi hành trình của Lan Phương kể từ những năm 2002 - 2003 thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến cách chị nhập vai, nhất là 1 vai cần chiều sâu tâm lý và cần khóc. Khán giả Sài Gòn hẳn là rất nhớ Lan Phương trên sân khấu. Còn chị, chị có nhớ sân khấu không?
Diễn viên Lan Phương: Tôi có nhớ nhưng không quá buồn khi phải rời xa sân khấu bởi đó là quyết định của mình. Đối với tôi đóng phim hay diễn kịch đều có điểm chung là diễn xuất, cần phải hiểu nhân vật, tái tạo nhân vật đó, làm cho nhân vật trở nên sống động.
Chỉ có điều sân khấu làm cho chúng ta cảm giác được tương tác với khán giả ngay lập tức, cảm nhận được cảm xúc của khán giả. Còn về phim, khi quay xong một thời gian mới nghe ngóng xem ý kiến của khán giả như thế nào. Vì vậy, được đóng phim cũng là hạnh phúc rất lớn với tôi.
Nhìn vào những bộ phim hay những vở kịch mà Lan Phương từng đóng, dễ nhận thấy, chị không kén vai. Vai diễn lớn hay nhỏ, phản diện hay chính diện, chính hay phụ chị đều đóng cả và vai sau không bao giờ giống với vai trước. Bí quyết để không một màu của chị là gì vậy?
Diễn viên Lan Phương: Tôi không kén vai chính, vai phụ, vai lớn vai nhỏ nhưng rất kén vai hay. Những vai phụ tôi từng đóng theo tôi đa số đều là những vai hay, đều phải có nét tính cách đặc biệt nên tôi rất thích nhân vật của mình.
Tôi không một màu có lẽ là nhờ tôi thích múa từ bé. Khi múa, cơ thể của mình sẽ linh hoạt, dễ biến chuyển để biểu đạt cảm xúc. Sau đó khi tôi đóng kịch, sân khấu cũng giúp tôi có khả năng biến hóa giọng nói. Khi đóng kịch, mỗi vai tôi sẽ sử dụng một cách nói khác nhau, cách nhấn nhả khác nhau khiến nhân vật của mình trở nên đặc biệt hơn.
Và điều quan trọng nhất là cách cảm nhận nhân vật. Bạn phải thực sự cảm nhận nó thì tự nhiên các hành động, lời nói, cử chỉ của bạn mới tương ứng với nhân vật. Đó là cách để nhân vật của tôi không bao giờ giống với nhân vật cũ.
Chị có ý định hợp tác với các nhà hát tại Hà Nội để được diễn, được làm kịch, được thăng hoa trên sân khấu như những năm tháng còn ở Sài Gòn không?
Diễn viên Lan Phương: Tôi từng có ý nghĩ đấy. Hồi tôi mới ra Hà Nội, nhiều sân khấu kịch cũng hỏi tôi có muốn đến diễn không. Nhưng thành thật mà nói vào thời gian này, tôi đang bận rộn với rất nhiều vai trò: làm mẹ, đóng phim, kinh doanh…
Với guồng công việc như vậy, tôi nghĩ mình khó có thể sắp xếp được thời gian dài để tập một vở diễn và đi diễn. Thời gian tập kịch rất dài, ngang với đóng chục tập phim, nên tôi nghĩ mình không đảm bảo được tiến độ và chất lượng của vở kịch.
Còn trong tương lai tôi chưa biết được. Tôi sống theo phong cách là làm tốt nhất những thứ đang có trước mắt.
Đến giờ này tôi vẫn rất yêu sân khấu. Có thể trong tương lai tôi không diễn hàng đêm ở một sân khấu nhưng sẽ quay lại với một vở kịch thật hay, vai diễn thật đặc biệt và chỉ diễn trong một thời gian ngắn thôi.
Dù đóng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, giành hàng chục giải thưởng về diễn xuất nhưng phải tới Diệu của Cả một đời ân oán và Vân Khánh của Thương ngày nắng về, chị mới thực sự trở thành “diễn viên quốc dân”. Chị có thấy điều này đến hơi chậm không?
Diễn viên Lan Phương: Tôi nghĩ điều gì cũng có lý do của nó. Bản thân tôi khi bắt đầu vào trường sân khấu, tôi tự biết khả năng của mình có nhiều hơn mọi người nghĩ. Nhưng còn nhiều yếu tố khác quyết định đến sự nổi tiếng của một nghệ sĩ.
Khi ở trong showbiz, cuộc sống của tôi rất khác với mọi người vì tôi chọn cuộc sống hơi khép kín. Khi mình sống khép kín thì sẽ không tạo được nhiều mối quan hệ, trải nghiệm về cuộc sống xung quanh cũng không đủ nhiều dẫn tới việc vai diễn của mình có thể được đánh giá cao nhưng chưa thực sự chạm đến trái tim của người xem.
Tôi vẫn luôn giữ cách sống của riêng mình cho nên không lạ gì khi tôi mất nhiều thời gian hoạt động ở trong Nam trước khi nổi tiếng với khán giả miền Bắc. Diễn kịch là diễn trong sân khấu nhỏ nên tất cả những vai diễn tôi đều “cân” được và được đánh giá rất cao. Nhưng khi ra Bắc đóng phim, công việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Phim truyền hình là một thế giới rộng lớn nên tôi vẫn cần thời gian hòa nhập. Tôi đã có một số vai để khán giả nhớ đến như Mai Lan của Cô gái xấu xí, Thùy Hạnh của Hoa hồng không dành cho em hay Diệu Linh của Những đứa con biệt động Sài Gòn. Nhưng những vai diễn như thế lại không được tôi duy trì đều. Tôi thường đóng vai hài, tưng tửng hoặc mưu mô. Những nhân vật như thế sẽ khó đi vào lòng khán giả.
May mắn là hiện tại, tôi có những vai diễn là người phụ nữ của gia đình. Vân Khánh cũng là người phụ nữ của gia đình, câu chuyện của cô ấy thực sự kết nối được với mọi người nên thành ra mọi người thích diễn xuất của tôi hơn.
Nhân vật Vân Khánh của chị trong “Thương ngày nắng về” thực sự tạo ra những cuộc bàn luận không hồi kết trên MXH. Bản thân chị có cảm thấy bất công cho nhân vật của mình không?
Diễn viên Lan Phương: Khi đóng phần 2 “Thương ngày nắng về”, tôi từng nghĩ và nói với đạo diễn là tại sao Khánh lại khổ đến thế. Nhưng khi tôi bắt đầu diễn những bi kịch đó, tôi lại cảm thấy nó rất thật và gần gũi. Tôi không cần cố gắng cảm nhận sự bi kịch mà cảm xúc đến với mình một cách tự nhiên.
Sau khi diễn, tôi rất đồng tình với biên kịch rằng nhờ bi kịch mà Khánh mới hiểu được sức mạnh nội tại của mình. Nếu không có những bi kịch đó, có thể Khánh sẽ không bao giờ có đủ dũng khí để bước chân ra khỏi gia đình chồng, chấm dứt cuộc sống nặng nề để đến với cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi thấy ngoài đời cũng thế thôi. Đôi khi chúng ta cần một cú ngã thật đau đớn để lớn mạnh hơn. Một lời cảm ơn nữa dành cho biên kịch đó là nhờ kịch bản như vậy nên tôi mới có chất liệu để phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình nhiều hơn. Trước đây tôi rất ít khi đóng bi kịch, nhưng nhờ bộ phim này, nhờ bi kịch đó mà mọi người cảm thấy gần gũi với tôi và yêu quý nhân vật của tôi hơn.
Có cảnh phim nào trong Thương ngày nắng về khiến Lan Phương day dứt, khắc khoải ngay cả khi đã hoàn thành không?
Diễn viên Lan Phương: Có rất nhiều cảnh để lại trong tôi cảm xúc, nhưng tôi nhớ nhất hai cảnh. Một là cảnh tôi đến xin lỗi mẹ vì mắng mẹ ở phần 1 Thương ngày nắng về. Đóng xong cảnh đó, về nhà tôi cảm thấy buồn, u uất mất mấy ngày liền.
Cảnh thứ hai là cảnh Đức và Khánh ra tòa. Cảnh quay đó rất buồn và nhiều cảm xúc. Nhưng trong cái buồn đấy cũng thấy được sự cao thượng và lạc quan của Khánh. Sau khi diễn những cảnh cảm xúc, về nhà tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Từ cách nói chuyện với chồng, với con đến cách mình giải quyết những vấn đề. Vì mình đang ở trong trạng thái hơi trầm cảm và cần thời gian để cân bằng lại tâm trạng.
Chị có hay gặp tình trạng nhập tâm quá với các vai diễn khiến cuộc sống đời thường bị ảnh hưởng?
Diễn viên Lan Phương: Ít nhiều cũng có. Ví dụ như hồi tôi đóng Mai Lan trong Cô gái xấu xí, một thời gian tôi cư xử, nói chuyện và đi lại giống hệt Mai Lan. Khi đóng Thùy Hạnh trong Hoa hồng không dành cho em, tôi cảm thấy bản thân rất dịu dàng, đáng yêu, ngây thơ ở ngoài đời. Còn đến Vân Khánh là nỗi buồn và sự yếu thế trong cuộc sống. Tôi cũng có cảm giác đó trong mối quan hệ với chồng nên đôi khi tôi cũng phải nhìn lại vào gia đình của mình để có cách giải quyết hợp lý hơn.
Nếu Lan Phương rơi vào tình huống éo le như Vân Khánh ngoài đời, chị sẽ giải quyết như thế nào?
Diễn viên Lan Phương: Nếu tôi là Khánh, tôi sẽ không chọn lấy người chồng như Đức. Tôi thích ở bên một người đàn ông mạnh mẽ hơn mình, từng trải và người lớn hơn mình. Đấy đã là sự khác biệt giữa Lan Phương và Vân Khánh rồi.
Còn nếu rơi vào hoàn cảnh giống Khánh, tôi sẽ dũng cảm nói với Đức rằng chúng ta nên dừng lại một thời gian. Dừng lại không có nghĩa là chia tay mà để tự cảm nhận rằng liệu chúng ta có còn đủ tình yêu và sức lực để quay trở lại với cuộc hôn nhân đó không.
Tôi cũng sẽ cố gắng có nền tảng kinh tế tốt hơn, để chủ động tài chính và không lệ thuộc tài chính vào người khác. Điều khổ nhất của Khánh là bị lệ thuộc tài chính, không có khả năng sống một mình nên phải mượn tiền của các em, của mẹ chồng, của mẹ đẻ.
Khi tự chủ tài chính, tôi sẽ mạnh mẽ nói với mẹ chồng là: “Con xin lỗi nhưng con nghĩ mẹ đừng nên can thiệp sâu vào cuộc sống của con”.
Đây là lần thứ hai Lan Phương đóng cặp vợ chồng với Hồng Đăng, chị nhận thấy sự thay đổi của bạn diễn ra sao trong hai tác phẩm?
Diễn viên Lan Phương: Anh Hồng Đăng đóng vai này khác hoàn toàn so với các vai trước. Lần hợp tác thứ hai của tôi với anh Hồng Đăng thú vị hơn rất nhiều so với lần đầu. Lần đầu hợp tác trong Cả một đời ân oán, tôi chưa biết nhiều về diễn viên ở ngoài Bắc và chưa bao giờ diễn với anh ấy. Cả hai lại diễn vai cặp đôi không ưa gì nhau. Mối quan hệ tréo ngoe nên mọi thứ đều có sự xa cách.
Nhưng qua Thương ngày nắng về, Đức và Khánh là một cặp vợ chồng thật sự. Tôi và anh Hồng Đăng đã biết nhau hơn 1 năm nên khi vào vai vợ chồng đã có đủ sự quen thân. Một điều quan trọng nữa là sự thay đổi của anh Hồng Đăng.
Anh Hồng Đăng diễn hài hước hơn, không còn đóng khung theo kiểu người đàn ông lịch lãm, cẩn trọng. Sự biến hóa đó khiến tôi thấy rất thú vị. Cả hai diễn rất ăn ý. Trong những cảnh có nhiều cảm xúc hơn, anh Hồng Đăng luôn là một diễn viên rất giỏi về diễn ánh mắt, nội tâm. Khi nhìn anh Hồng Đăng diễn, tôi rất dễ có cảm xúc và đẩy cao trào cùng bạn diễn.
Lan Phương từng chia sẻ, mẹ chồng chị trái ngược với bà Mai Hiền trong Thương ngày nắng về. Mối quan hệ của chị và mẹ chồng hiện tại ra sao?
Diễn viên Lan Phương: Tôi thực sự rất may mắn vì có mẹ chồng văn minh, hiện đại. Một chi tiết tôi nhớ nhất về mẹ chồng là lần tôi sang Anh thăm gia đình chồng lần đầu tiên. Khi ấy tôi đang có bầu 4 tháng, bụng tôi bị khó tiêu, tôi không biết phải giải quyết thế nào nên đành nói với mẹ chồng vấn đề đó.
Đêm hôm đó, dù đã 11h đêm nhưng bà vẫn chở tôi ra siêu thị mua một loại mận khô tốt cho tiêu hóa. Về nhà bà cắt ra và để vào tủ lạnh, dặn tôi uống. Sau khi uống xong, các vấn đề của tôi đã được giải quyết hết. Dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng tôi nhớ mãi vì nó thể hiện sự quan tâm của mẹ chồng dành cho mình.
Đợt dịch vừa rồi, hai năm tôi không được gặp được bố mẹ chồng nhưng vừa qua, ông bà đã sang Việt Nam thăm bé Lina và mới về nước mấy ngày trước thôi. Khi ông bà ở đây, mọi người hay đi chơi, đi ăn uống với nhau rất vui vẻ. Điều gì có thể làm cho bà vui tôi đều làm để giữa mẹ chồng - nàng dâu không còn khoảng cách.
Vừa làm vợ, làm mẹ, vừa kinh doanh, lại vừa đóng phim, chị sắp xếp thời gian thế nào để trọn vẹn dăm bảy đường như vậy?
Diễn viên Lan Phương: Năm ngoái là quãng thời gian rất khó khăn với tôi. Tôi quyết định khởi nghiệp đúng lúc nhận lời đóng Thương ngày nắng về. Vừa đóng phim, vừa khởi nghiệp, vừa làm mẹ khiến tôi có thời gian bị suy kiệt sức khỏe. Ba lần tôi phải đi bệnh viện vì quá mệt, mệt đến mức không thở được.
Thế nhưng may mắn là năm ngoái có ba lần nhà hàng phải đóng cửa vì dịch. Tôi coi đó là thời gian để mình nghỉ dưỡng, không quá áp lực công việc. Tôi dành thời gian đó để lấy lại năng lượng cho mình và ở bên con nhiều hơn. Ông xã cũng giúp tôi rất nhiều trong việc quán xuyến nhà cửa và chăm sóc con gái.
Đến bây giờ mọi thứ đã ổn định hơn và tôi rất trân trọng thời gian này.
Tại sao chị không chọn cách chỉ làm 1-2 việc một lúc thôi? Ví như chỉ chăm con và đóng phim, hoặc chỉ chăm con và kinh doanh?
Diễn viên Lan Phương: Một trong những đặc điểm tính cách của tôi là tôi không muốn mất thời gian để chờ đợi một việc gì.
Ngày xưa khi học đại học mất nửa ngày, tôi nghĩ rằng tại sao mình không tận dụng nửa ngày rảnh kia để học thêm một trường khác. Tôi có một bằng đại học theo hệ chính quy và muốn có thêm một bằng về diễn xuất vì đó là đam mê của tôi. Tôi không muốn chờ đợi nên đã quyết định học song song hai trường đại học. Thời gian đó, tôi còn đi học khiêu vũ, làm từ thiện nữa, làm nhiều thứ lắm.
Đến cuối năm 2021, tôi bắt đầu thích kinh doanh và quyết định bắt tay vào làm luôn. Phim lúc đó mời tôi, tôi cũng quyết định nhận lời luôn. Tại sao phải chờ đợi? Chờ nữa thì thêm một tuổi nữa, lại phí phạm thêm một khoảng thời gian thay vì trải nghiệm nó luôn.
Trong phim, chỉ cần Vân Khánh lườm một cái là Đức đã trở nên khúm núm. Còn Lan Phương ngoài đời ứng xử với ông xã ra sao?
Diễn viên Lan Phương: Tôi chưa bao giờ lườm chồng nhưng anh ấy vẫn lắng nghe ý kiến của tôi. Nếu điều gì tôi không thích thì anh ấy luôn muốn tìm giải pháp tốt hơn để tôi vui. Vì đối với anh ấy nếu vợ vui, cuộc sống của mình mới vui được (cười).
Chị có biết ơn sự hy sinh của ông xã khi anh quyết định ở lại Việt Nam để giúp chị tiếp tục sống với đam mê nghệ thuật?
Diễn viên Lan Phương: Mục đích của anh ấy đến Việt Nam là dừng chân tạm thôi, sau khi trải nghiệm anh ấy sẽ tiếp tục đi những nơi khác. Nhưng gặp tôi và có em bé, vô tình anh ấy bị “kẹt" ở đây luôn. Dù trong lòng anh ấy vẫn muốn đi khắp thế giới để trải nghiệm nhưng anh ấy sẵn lòng ở đây để ủng hộ vợ những gì có thể.
Song tôi không muốn nghĩ đó là sự hy sinh của ai vì bản thân tôi cũng là người bỏ hết mọi thứ trong Sài Gòn để ra Hà Nội với chồng. Chuyện có bầu nằm ngoài dự kiến nhưng vì chồng làm việc ở Hà Nội nên tôi phải ra đây.
Mọi thứ tôi gây dựng trong Sài Gòn đến giờ phút đó tự nhiên phải dừng lại hết. Đó cũng là sự thay đổi rất lớn.
Tôi không muốn dùng chữ “hy sinh” trong mối quan hệ mà quan trọng là mỗi người cùng nhìn xem điều gì là tốt nhất cho gia đình của mình. Mọi sự thay đổi đều là cách thức và là cơ hội nếu như bạn biết nắm bắt nó.
Trong tương lai chị Lan Phương còn muốn thử sức với vai trò nào nữa?
Diễn viên Lan Phương: Tôi chắc chắn sẽ có em bé thứ hai. Tôi cũng mong nhà hàng phát triển và mở rộng được nhiều cơ sở hơn. Về diễn xuất, hy vọng tôi sẽ có thêm nhiều vai diễn hay hơn thời điểm hiện tại. Không bao giờ tôi đặt cho mình giới hạn dừng lại, mỗi ngày tôi đều sẽ đều chinh phục thêm những thử thách mới để có thêm kỹ năng, trưởng thành hơn và khôn ngoan hơn.
Cảm ơn Lan Phương vì những chia sẻ. Chúc chị sớm đạt được những mục tiêu của mình!
Bình luận