Hoàng Kiều Yến sinh năm 2000, quê tại Quảng Bình hiện đang là du học sinh Úc.
Thời gian đầu khi vừa sang vùng trời mới, Kiều Yến vẫn chưa ý thức về việc tiết kiệm. Cô thường xuyên gọi thức ăn nhanh và mua sắm quá đà. Nhưng khi tiếp xúc với những bạn du học sinh và bản địa, Yến ngạc nhiên khi thấy họ đã sớm lập kế hoạch tiết kiệm, phục vụ cho mục đích đầu tư tài chính. Nhiều người chỉ mới 18, 19 tuổi đã tự đóng bảo hiểm hưu trí.
Dù thuộc tầng lớp khá giả, nhưng những cô/cậu thanh niên này rất hiếm khi vào các nhà hàng đắt tiền. Họ dành ra 50 - 60% tiền đi làm để tiết kiệm và lập quỹ đề phòng những rủi ro bất chợt.
Điều này đã tác động sâu sắc đến cô gái 20 tuổi, Kiều Yến nhận ra mình đã quá hoang phí khi còn đang phụ thuộc vào tài chính của bố mẹ. Sau khi thích nghi với cuộc sống nơi ngoại quốc, cô dần tập thiết lập một kế hoạch chi tiêu tiết kiệm cho chính mình.
Mục tiêu đầu tiên trong bảng kế hoạch tiết kiệm của Kiều Yến đó chính là tự nấu ăn tự túc. "Đầu tiên, tôi đi chợ mua đồ về nấu ăn thay vì ra nhà hàng. Ba ngày/lần, tôi lại ra khu chợ Việt Nam, cách nhà khoảng 500m mua thực phẩm".
Từ một cô gái chưa bao giờ nấu ăn, Yến dần thạo việc bếp núc. Cô học cả cách làm bánh ngọt để mời bạn bè trong các buổi tiệc thay vì ra nhà hàng hay đặt bánh ở tiệm.
Trong vòng vài tháng, nhờ việc tự túc xuống bếp, cô nàng đã tiết kiệm 20 - 30 triệu đồng mỗi tháng, cũng không còn phụ thuộc vào tài chính của bố mẹ nữa.
Bên cạnh đó, Kiều Yến còn cho biết, cô và nhiều du học sinh Việt chấp nhận sống ở những căn phòng hơn 10m2 cùng với nhiều người khác để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thậm chí đến việc cắt tóc các bạn nữ cũng tự xử lý ở nhà, hiếm khi ra tiệm. Thay đổi thói quen sinh hoạt ban đầu có gây ra những bất tiện nhưng lâu dần sẽ hình thành một thói quen tốt, chi tiêu có mục đích và biết lo cho tương lai.
Bình luận