Bánh đa cua, đặc sản đường phố đến Hải Phòng chưa ăn thì coi như chưa đến

Huyền Nguyễn Đăng lúc: Chủ nhật, 20/12/2020 16:52 (GMT +7)
Nếu Hà Nội có bún ốc nguội thì Hải Phòng có bánh đa cua. Thức quà này nổi tiếng đến mức nếu bạn chưa từng thử bánh đa cua thì đừng nói đã đến đất Cảng!
Hashtag #Ăn gì ngon ở Hải Phòng #Ẩm thực Hải Phòng #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Thật kỳ lạ khi một thành phố biển như Hải Phòng, đặc sản nổi tiếng nhất lại là bánh đa cua chứ không phải hải sản hay thức quà nào khác. Món ăn này được ví như tinh hoa ẩm thực của người dân đất Cảng bởi dù sáng, trưa, chiều hay tối, cứ hễ đói là người ta rủ nhau đi ăn... bánh đa cua.

Ngày nay, ở nhiều nơi khác, bạn có thể bắt gặp những hàng quán treo biển "bánh đa cua Hải Phòng". Nhưng chẳng ở đâu có thể chuẩn vị, đúng điệu như ngay tại đất Cảng. Bởi thế mới có câu, đừng nói đã đến Hải Phòng nếu bạn chưa từng thử bánh đa cua!

Ảnh: @yumyum7793.
Ảnh: @yumyum7793.

Chẳng hề đắt đỏ hay cao sang, nguyên liệu chính để làm nên bánh đa cua chỉ có bánh đa đỏ, cua đồng và rau nhúng. Nhưng với sự khéo léo, tỉ mỉ, từ các nguyên liệu dân dã ấy lại hóa thành đặc sản trứ danh với hương vị riêng biệt. Chính vì thế, vào năm 2012, bánh đa cua đã lọt top 12 món ăn có giá trị văn hóa châu Á do tổ chức Kỷ lục châu Á bình chọn. 

Nguồn gốc của bánh đa cua - đặc sản trứ danh của đất Cảng

Một số ý kiến cho rằng, bánh đa cua có nguồn gốc từ làng Lạng Côn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Theo đó, truyền thuyết của 2 vị thành hoàng làng là Trần Quốc Thi và Chu Xích Công gắn liền với sự ra đời của bánh đa nhúng (tiền thân của bánh đa cua) và bánh đa nướng. 

Bánh đa nướng ở làng Lạng Côn, huyện Kiến Thụy.
Bánh đa nướng ở làng Lạng Côn, huyện Kiến Thụy.

Vào khoảng thế kỷ thứ 10, ông Chu Xích Công (người Hoa) đã đến làng Lạng Côn để mở trường học. Sau đó, ông được tiến cử vào triều làm tướng, theo nhà vua đi đánh trận. Do thời gian chinh chiến lâu dài, ông đã tạo nên một loại lương khô đặc biệt, đó chính là bánh đa. Món bánh đa này chỉ cần nhúng vào nước và thêm chút muối là đã ăn được, rất tiện.

Khi thắng trận, ông đem công thức này về dạy người dân trong làng. Vì thế khi ông mất, dân làng đã lập miếu thờ và tôn ông lên làm thành hoàng làng.

Đến thế kỷ thứ 13, ông Trần Quốc Thi (một vị quan nhà Trần) đã biến tấu món bánh đa trước đây trở nên dễ dàng chế biến và ngon miệng hơn rất nhiều. Trong chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt, ông đã đóng góp lương thực cho nhà Trần. Vì vậy, người ta cũng tôn ông Trần Quốc Thi làm thành hoàng làng và lập miếu thờ như ông Chu Xích Công. 

Bánh đa cua, món ngon hội tụ đủ ngũ hành âm dương

Bánh đa cua ngon phải có đủ 5 màu sắc, tượng trưng cho ngũ hành âm dương. Màu bánh đa nâu sậm; màu hồng nâu của gạch cua; màu xanh mướt của rau muống, rau nhút hoặc chả lá lốt; màu đỏ của cà chua hoặc ớt tươi; màu vàng của hành phi thơm lừng. Tất cả hòa quyện lại với nhau tạo nên một bát bánh đa cua nóng hổi, chẳng ai có thể cưỡng lại hương vị thơm ngon ấy. 

Ảnh: @ujunhs_.
Ảnh: @ujunhs_.

Một bát như vậy thường được gọi là "bánh đa không người lái" với mức giá chỉ khoảng 15.000 đồng. Tuy nhiên, để thêm phần phong phú, các hàng quán cũng phục vụ thêm nhiều loại nhân khác nhau như: chả lá lốt, chả viên, tôm, bề bề, thịt xào hoặc sườn ninh... Hay thậm chí nếu thích, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một bát "bánh đa cua thập cẩm" với tất cả các loại nhân khác nhau ở quán. Giá cả cũng chẳng hề đắt đỏ, trung bình chỉ khoảng 30.000 đồng - 35.000 đồng. 

Bánh đua cua thập cẩm với nhiều loại nhân khác nhau. Ảnh: @angidayvi_.
Bánh đua cua thập cẩm với nhiều loại nhân khác nhau. Ảnh: @angidayvi_.
Bánh đa cua nồi đất trên đường Mê Linh. Ảnh: @monmonfoodie.
Bánh đa cua nồi đất trên đường Mê Linh. Ảnh: @monmonfoodie.

Cách chế biến công phu và cầu kỳ

Để đánh giá bánh đa cua ngon hay không, quan trọng nhất là phần nước dùng và sợi bánh đa. Giống như nhiều loại nước dùng khác, bánh đa cua cũng sử dụng phần xương heo ninh nhừ. Tuy nhiên, khi phục vụ thực khách, người ta sẽ trộn chung với gạch cua đồng đã được nêm nếm vừa ăn.

Khâu chọn cua cũng phải thật cẩn thận. Chỉ những con cua đồng thật béo, có yếm đầy đặn mới được coi là đạt chuẩn. Sau khi được rửa sạch, phần thân cua được giã nhuyễn rồi lọc qua rây vài lần. Cuối cùng, nước cua được bỏ lên nồi đun nhỏ lửa, khuấy đều tay đến khi phần gạch đông lại thành từng mảng. Lúc này chỉ cần nêm gia vị, xào lên rồi bỏ vào nước dùng là được. 

Bánh đa cua đồng ngon thì nước dùng phải có phần gạch cua thơm lừng. Ảnh: @monmonfoodie.
Bánh đa cua đồng ngon thì nước dùng phải có phần gạch cua thơm lừng. Ảnh: @monmonfoodie.

Riêng sợi bánh đa, các quán chủ yếu lấy từ làng nghề nổi tiếng như: làng Hỗ (huyện An Dương), làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), làng Lạng Côn (huyện Kiến Thụy)... Sợi bánh ngon phải có độ mềm, độ dai vừa phải và không được quá khô. Theo chia sẻ, để có màu nâu sậm như vậy, người làm bánh đa thường hòa thêm bột gấc, kẹo đường phèn hoặc cầu kỳ hơn nữa là mật thơm. Sau đó đem miết mỏng, hấp chín rồi bày trên các phên tre để hong nắng. 

Bánh đa cua được bày lên phên tre rồi phơi nắng.
Bánh đa cua được bày lên phên tre rồi phơi nắng.

Thông thường, sợi bánh đa cua chỉ cần phơi một nắng một sương là đạt chuẩn. Như vậy kể cả khi chan nước dùng nóng, bánh đa vẫn mềm dai mà không bị bở hay trương nhũn. Còn các loại bánh đa cua phơi khô đóng gói được bán trong các cửa tiệm tạp hóa hay siêu thị, dù tiện lợi nhưng đã vơi bớt phần nào hương vị thơm ngon như bánh đa tươi. 

Một số quán bánh đa cua nổi tiếng ở Hải Phòng

Bánh đa cua có lẽ là "gương mặt thân quen" khi nhắc đến ẩm thực đất Cảng. Bạn có thể tìm được món ăn này ở mọi ngóc ngách phố phường. Dưới đây, 2 Đẹp đã tổng hợp lại 5 quán bánh đa cua được người dân Hải Phòng yêu thích nhất. Mời bạn tham khảo!

Ảnh: @eatwpeach_.
Ảnh: @eatwpeach_.
Ảnh: @mattysblog.
Ảnh: @mattysblog.

Bánh đa cua nồi đất

Địa chỉ: Cổng trường THPT Ngô Quyền, đường Mê Linh, Hải Phòng.

Thời gian mở cửa: 15h00 - 18h00.

Mức giá trung bình: 20.000 đồng - 30.000 đồng. 

Bánh đa cua Kỳ Đồng

Địa chỉ: 26 Kỳ Đồng, Hồng Bàng, Hải Phòng.

Thời gian mở cửa: 10h00 - 20h00.

Mức giá trung bình: 25.000 đồng - 35.000 đồng.

Bánh đa cua đồng Lạch Tray

Địa chỉ: 48 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng. 

Thời gian mở cửa: 16h00 - 24h00.

Mức giá trung bình: 25.000 đồng - 35.000 đồng. 

Bánh đa cua cô Yến

Địa chỉ: 2B Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, Hải Phòng. 

Thời gian mở cửa: 6h00 - 10h00.

Mức giá trung bình: 25.000 đồng - 35.000 đồng.

Bánh đa cua cô Cẩm

Địa chỉ: 152/173 Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng.

Thời gian mở cửa: 6h00 - 11h00. 

Mức giá trung bình: 20.000 đồng - 35.000 đồng. 

Ở Hải Phòng, không khó để có thể bắt gặp một quán bánh đa cua trên phố phường, từ gánh hàng rong bình dị cho tới nhà hàng sang trọng. Thế mới biết, món ăn ngon nhất nào phải là món ăn đắt tiền. Đôi khi chỉ là thức quà bình dị, dân dã và nồng đượm vị quê hương. Người xứ lạ đến, ăn rồi ghiền bánh đa cua từ khi nào chẳng biết. Còn đối với những người con đất Cảng xa quê, chẳng còn gì vui sướng bằng khi được thưởng thức một bát bánh đa nóng hổi ngay tại nơi chôn rau cắt rốn của mình. 

Kinh nghiệm “càn quét” chợ Cát Bi - thiên đường ẩm thực của giới trẻ Hải Phòng Lòng vòng Hải Phòng nếm hết các món quà chiều “không đắt vẫn xắt ra miếng” Trà hoa cúc - thức uống dân dã nhưng ngon nổi tiếng của Hải Phòng
Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp