Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội hơn 40km. Vốn là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền nên Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua". Dù chỉ cách trung tâm hơn 1 tiếng chạy xe nhưng với nhiều người, nơi đây còn được gọi là cổ trấn bị lãng quên bởi sự cổ kính của ngôi làng này.
Có thể nói, làng Đường Lâm là nơi lưu giữ được trọn vẹn những đặc trưng của một ngôi làng Bắc Bộ với đầy đủ cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, đường ngõ lát gạch ngiêng và đặc biệt là còn tới 956 ngôi nhà truyền thống, trong đó có những ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi. Điều đặc trưng của những ngôi nhà cổ Đường Lâm là đều được xây dựng từ đá ong, gỗ xoan với kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian.
Trong những ngôi nhà cổ này dường nha thời gian ngừng lại. Đi trên những con đường ngõ nhỏ, nhìn những bức tường đá ong loang lổ vết rêu, mái ngói ngả màu sương gió ai nấy đều cảm nhận được sự xưa cũ cũng như sự huy hoàng một thời của ngôi làng.
Tuy nhiên cũng chính nhờ nét xưa cũ được lưu giữ lại mà Đường Lâm là nơi rất tuyệt vời để săn ảnh. Không ít những hình ảnh đậm đặc chất Bắc Bộ hay những bối cảnh làng quê xưa được lấy bối cảnh ở Đường Lâm hẳn phần nào minh chứng được vẻ đẹp của nơi này.
Bối cảnh của Đường Lâm còn rất hợp để chụp ảnh hay check-in sống ảo. Các điểm thăm thú nổi tiếng ở đây có thể kể đến như gếng cổ Đường Lâm, cổng làng Mông Phụ, đình làng Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh. Ngoài ra bạn còn có thể thăm thú các ngôi nhà cổ như nhà của ông Hà Nguyên Huyến, ông Nguyễn Văn Hùng.
Sau khi đã đi thăm thú quanh làng, bạn hãy đặt cơm để nạp năng lượng cũng như hiểu thêm về ẩm thực Đường Lâm. Một số món ăn rất đáng thử ở đây có thể kể đến như gà mía, thịt quay đòn, tương bần. Hiện Đường Lâm có một số địa chỉ chuyên phục vụ cơm cho khách du lịch. Bạn có thể hỏi dân làng ngày từ khi mới đến để đặt cơm trưa.
Ngoài món chính, món chè lam ở đây cũng rất nổi tiếng. Sau khi đã dạo chơi mỏi chân, ngồi quán nước nhâm nhi chén trà, ăn miéng chè làm thì còn gì bằng. Nhìn chung, với các yếu tố đi lại dễ dàng, có đầy đủ dich vụ ăn uống, tổng chi phí đi lại, ăn uống chỉ từ 200 đến 500 ngàn, Đường Lâm hoàn toàn xứng đáng để bạn khám phá, ít nhất là 1 lần.
Cách đi lại:
- Đi theo Đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc rẽ phải theo đường 21. Qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 sẽ có biển chỉ dẫn rẽ vào Làng cổ Đường Lâm.
- Ngoài ra, bạn có thể đi xe bus tuyến 70, 71, 77.
- Ở làng hiện đã có dịch vụ cho thuê xe đạp, giá từ 30 đến 50 ngàn đồng, nếu ngại đi bộ nhiều mỏi chân, bạn có thể hỏi thuê xe đạp.
Bình luận