Ông Trần Công Hợi (60 tuổi) ở xã An Thành, huyện Đak Pơ cho biết, ông cùng vợ và 5 công nhân cố gắng hái xong xào ớt cuối cùng để kịp bán trong ngày. Ông lo lắng nếu để kéo dài sang ngày hôm sau giá ớt sẽ giảm xuống.
Được biết, vườn ớt nhà ông Hợi rộng 5 sào (2.500 m2) được trồng từ tháng 10 năm ngoái. Sau 3 tháng chăm sóc, ớt bắt đầu ra trái và thu hoạch được. Đợt thu hoạch này là đợt thu đầu tiên, nếu như chăm sóc tốt, cây khỏe thì sẽ thu hoạch được nhiều tháng liên tục, thậm chí có thể thêm vụ thứ 2. Theo ước tính, vườn ớt nhà ông Hợi năm nay có thể đạt được 5 tấn.
"Nếu giá dao động ở mức cao như mấy ngày nay thì trừ chi phí chăm sóc, gia đình thu về hơn 400 triệu đồng. Nhiều năm trồng ớt, chưa năm nào giá ớt cao kỷ lục như năm nay", ông Hợi cho biết.
Giá ớt mọi năm dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg nên vợ chồng ông Hợi không dám thuê nhân công mà tự bỏ công ra hái. Tuy nhiên, lấy công làm lãi nhưng vợ chồng ông sau khi bán ớt vẫn lỗ hàng chục triệu đồng. Giá ớt năm nay tăng cao nên ông Hợi thuê thêm 5 lao động thu hoạch. Trung bình mỗi nhân công hái được 50 - 60kg một ngày, tiền công một ngày là 150.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Minh (43 tuổi) ở thị trấn Đak Pơ cách nhà ông Hợi khoảng 3km cũng có vườn ớt rộng 2,5 sào đang thu hoạch. Ông cho biết thương lái đến thu mua tận nhà, chốt giá là 95.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết thêm, hơn 10 năm trồng ớt chưa năm nào ông thấy giá cao đột biến như năm nay. Vườn ớt năm nay nhờ chăm sóc kỹ nên thu hoạch được 3 tấn và với mức giá này trừ mọi chi phí ông thu về trên 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đak Pơ, giá ớt đột ngột tăng cao khoảng 2 tháng nay, có thời điểm thậm chí còn lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá ớt tăng trong thời gian qua là do các tỉnh miền Trung bị bão lũ nên nông dân chưa kịp trồng lại. Còn các tỉnh phía Bắc lạnh giá làm nhiều diện tích cây trồng bị chết. Ngoài ra, mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Huyện Đak Pơ có 585 ha trồng ớt, các vùng khác như Kông Chro có khoảng 1.444 ha, Kbang khoảng 273 ha và thị xã An Khê hơn 200 ha. Phía cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt làm nguồn cung vượt cầu đẫn đến tình trạng "được mùa, mất giá".
Bình luận