Trong khi ở nhiều nước, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đến trường là để vui chơi hồn nhiên thì ở Nhật những đứa trẻ được giáo dục luôn phải chuẩn bị trước cho những tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Một cách thiết thực hơn, họ đưa những bài học kĩ năng sống vào trường mầm non để trẻ em có thể sinh tồn được trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Cả giáo viên và phụ huynh đều coi trọng việc giáo dục trẻ em theo hướng tạo cho con trẻ có thói quen độc lập, dũng cảm, yêu lao động và có sức sống mạnh mẽ.
Người Nhật rất ham học hỏi và tiếp thu những điều mới. Có thể vì vậy mà trong khi mẫu giáo là độ tuổi tận hưởng "hành trình tuổi thơ màu hồng" thì những đứa trẻ ở Nhật đã được học rất nhiều thứ. Chúng học cách để thích nghi với môi trường hàng năm với nhiều trận động đất, sóng thần. Không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ mẫu giáo tại Nhật được thầy cô diễn tập sinh tồn khi gặp thiên tai.
Trẻ em Nhật luôn ý thức được những gì chúng sẽ gặp phải xung quanh. Ngay cả khi các em đang mải chơi, đang ngủ hay đang đi toilet, chỉ cần có hiệu lệnh vang lên, tất cả đều nghiêm túc di chuyển về nơi tập trung. Trẻ sơ sinh thì được thầy cô bế trên tay, trẻ em từ 1 - 2 tuổi thì được cho vào xe đẩy, những đứa bé từ 3 tuổi trở lên thì phải chạy theo hàng. Sau mỗi trải nghiệm như vậy, những đứa bé lại được rèn luyện thêm các kĩ năng, có thêm các bài học để có thể sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt.
Mục tiêu tối quan trọng của trường học là không để sót bất cứ học sinh nào khi có tình huống xấu xảy ra.
Kể từ một tuổi những đứa trẻ Nhật đã được hướng dẫn để tự dọn dẹp, cách ngồi lắng nghe và cách vận động. Từ ba tuổi các em được dạy hát, dạy vẽ, dạy chơi các loại nhạc cụ, chơi thể thao... Tới khi bước vào trường tiểu học các em đã biết rất nhiều kỹ năng khác nhau để có thể phát triển bản thân, hoà mình vào cộng đồng.
Những đứa trẻ ở Nhật sẽ tự đến trường khi chỉ mới 6 tuổi. Nếu trường học ở gần, các em sẽ tự đi bộ tới trường. Nếu trường ở xa, các em sẽ học cách bắt xe buýt, tàu điện ngầm, taxi... để đi đến trường và tự về nhà. Ngoài giờ học, những đứa trẻ sẽ tự làm mọi hoạt động phục vụ cuộc sống của mình khi mà không có sự giúp đỡ của người lớn.
Bên cạnh các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, khi lớn hơn những đứa trẻ còn được rèn luyện rất nhiều các kĩ năng, lĩnh vực khác. Học sinh ở Nhật rất giỏi các môn thể thao và khả năng nghệ thuật.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc liệt kê trẻ em Nhật chịu nhiều áp lực trong học đường so với các nước tiên tiến khác. Thực tế những trường học ở đây luôn chú trọng tới sự phát triển toàn diện: một đứa trẻ có thể thích nghi với hoàn cảnh khó khăn đồng thời sẽ vượt qua mọi trắc trở của cuộc sống khi trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Làm quen với tự lập và thích nghi với áp lực gần như là yêu cầu bắt buộc trong một xã hội công nghiệp như ở Nhật Bản. Trẻ em ở đây gần như ít có cơ hội để dựa dẫm vào sự bao bọc của người lớn bởi mỗi người đều có một công việc và hoạt động riêng.
Tuy cha mẹ có thể không làm thay hoặc chơi chung với con, nhưng họ luôn quan sát để có những chỉ dẫn hoặc giúp đỡ kịp thời và trường học cũng rất dày công chỉ dạy rất nhiều kỹ năng khác nhau trước khi các em tự lập. Nó khác hoàn toàn với việc bỏ mặc cho những đứa trẻ tự lớn, tự khám phá và rất dễ đi sai đường.
Bình luận