Hành trình 8 năm cho sự ra đời của phim điện ảnh Ròm

Thu Trần Đăng lúc: Thứ sáu, 11/09/2020 14:33 (GMT +7)
Bộ phim điện ảnh Ròm đã trải qua một hành trình dài gần thập kỷ trước khi ấn định ngày ra mắt khán giả Việt Nam vào 25/9.

8 năm cho một tác phẩm điện ảnh đến với khán giả, vô số lần gửi đi xin đầu tư nhưng thất bại, bị trả về từ các LHP Quốc tế vì sai với khuôn mẫu của điện ảnh thế giới, phải nộp phạt vì gửi phim đi thi mà chưa được cấp phép... Đó chỉ là một vài khó khăn trong hành trình gian nan mà cả ekip của Ròm phải trải qua. 

Những "hạt mầm" đầu tiên của Ròm

Tại Cánh diều Vàng 2012, giải thưởng phim ngắn được trao cho "16:30" của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy. Phim sau đó giành chiến thắng tại YxineFF 2012 và tiếp tục gặt hái thành công tại hạng mục Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013.

Nhận thấy được tiềm năng của 16:30, đầu năm 2014, đạo diễn Trần Thanh Huy cùng những người bạn bắt đầu phát triển ý tưởng mang tên “Cục Gạch” cũng có nội dung về số đề, cầu cơ. Đây được coi là một lát cắt nhỏ của Ròm.

Vị đạo diễn trẻ liên tục suy nghĩ làm thế nào để phát triển Cục Gạch thành Ròm. Lúc này, anh vẫn chưa đặt tên phim là Ròm, kịch bản gốc lúc đầu không có tên mà được đặt theo tính chất, tên nhân vật chính là Hoàng.

Ròm mất 8 năm thai nghén và sản xuất trước khi ra mắt khán giả.
Ròm mất 8 năm thai nghén và sản xuất trước khi ra mắt khán giả.

Tại sự kiện Gặp gỡ mùa thu vào tháng 10 năm 2014, màn trình bày ý tưởng về dự án Thằng Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và đem về giải “Producer’s Choice” với 30 triệu đồng tiền thưởng. Sau đó anh tiếp tục đem ý tưởng đi xin tài trợ nhưng thất bại.

Bước sang năm 2015, tác phẩm được gửi tới Asean Project Market tại hội chợ dự án Busan để xin kinh phí. Lúc này, kịch bản vẫn mang tên là “The Lottery Boy” chứ chưa phải là Ròm và cũng bị thất bại.

Tại khóa học sản xuất phim độc lập dành cho các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam mang tên “Hà Nội mùa xuân” năm 2015, dự án phim Thằng Ròm đã thuyết phục được Ban Giám Khảo trao học bổng. Đạo diễn Thanh Huy cũng được MPA tài trợ một chuyến đi tới Hollywood và được Đại sứ quán Đan Mạch trích quỹ CDEF hỗ trợ để làm tiền kỳ. May mắn hơn, vào sát thời gian phim bấm máy, Thằng Ròm nhận được kinh phí từ công ty sản xuất phim HK Film.

Nhân vật chính trong phim là một cậu bé bị mẹ bỏ rơi làm nghề cò đề.
Nhân vật chính trong phim là một cậu bé bị mẹ bỏ rơi làm nghề cò đề.

Những thước phim đầu tiên của Ròm

Sau khi hoàn thành những công đoạn tiền kỳ vào cuối năm 2015, ngày 21 tháng 6 năm 2016, Ròm bấm máy tại quận 2, TP.HCM. Bộ phim được quay tại khu chung cư Cô Giang sau khi mất một tuần để thiết kế bối cảnh. 

Tuy nhiên đến tháng 7, cả đoàn phải chuyển sang quay tại chung cư Thanh Đa đã bị bỏ hoang 4 năm. Tại đây, ekip sản xuất Ròm đã xin được chính quyền cho quay. Tại thời điểm đó, ekip chỉ có khoảng 20 đến 30 người. Trong một số đại cảnh, có lúc đoàn làm phim đã phải huy động đến 200 người bao gồm cả diễn viên.

Thành quả đầu tiên của Ròm đến vào cuối năm 2016, khi những bản dựng đầu tiên được hình thành như xương sống cho bộ phim. Trong thời gian này, ekip sản xuất đã phải dựng phim cả ban đêm, sử dụng máy tính tại công ty HK Film trong suốt 2 tháng. Bản phim hoàn chỉnh đầu tiên dài tới 3 tiếng.

Hai diễn viên chính từ cậu bé thành thanh niên trong quá trình làm phim kéo dài.
Hai diễn viên chính từ cậu bé thành thanh niên trong quá trình làm phim kéo dài.

Khó khăn trong quá trình dựng phim và quảng bá

Bước sang năm 2017, Ròm gặp phải vấn đề về dựng phim và phải mất một khoảng thời gian mới có thể tìm được nhà dựng phim người Thái Lee Chatametikool. Bản phim này sau đó được mang đi chào mời tại các LHP Berlin, Rotterdam, Cannes vào cuối năm 2017 nhưng đều bị từ chối.

May mắn, dự án nhận được sự giúp đỡ của đạo diễn Trần Anh Hùng trong vài tháng.

Giai đoạn hậu kỳ của Ròm kéo dài gần hết năm 2018. Đến tận tháng 12, công ty sản xuất HK Film quyết định đầu tư cho Ròm sang Pháp làm âm thanh với chi phí chiếm tới 65% chi phí hậu kỳ của phim. 

Bối cảnh của Ròm là một khu chung cư cũ của Sài Gòn.
Bối cảnh của Ròm là một khu chung cư cũ của Sài Gòn.

Hành trình chinh phục đề cử tại LHP Busan

Bước sang đầu năm 2019 sau khi phim được hoàn thiện, Ròm tiếp tục đi xin trình chiếu tại các LHP Berlin, Rotterdam, Cannes và tiếp tục thất bại. Cùng thời điểm đó, Ròm bắt đầu chiếu thử cho các nhà phát hành, chuyên gia, các đơn vị truyền thông ở Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực.

Đến đầu tháng 9, Ròm được chấp nhận trình chiếu tại Cửa Sổ Đông Nam Á bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng khác như: Thưa mẹ con đi, Anh trai yêu quái hay Bí mật của gió. Hành trình chinh phục giải thưởng cao nhất của LHP Cannes cũng bắt đầu từ đây.

Sau một tuần, ekip nhận được tin bộ phim được lọt vào danh sách giải New Currents – giải quan trọng nhất của LHP Quốc tế Busan dành cho phim đầu tay của các đạo diễn Châu Á. Đây là một tin cực vui cho cả đoàn phim bởi Ròm phải cạnh tranh với khoảng 300 phim tại vòng trình chiếu và 14 phim được đề cử vào vòng cuối.

Hành trình 8 năm cho sự ra đời của Ròm.
Hành trình 8 năm cho sự ra đời của Ròm.

Hành trình xin cấp phép – xin rút phim song song

Ngày 21 tháng 9 năm 2019, lãnh đạo Cục điện ảnh cùng Hội đồng thẩm định và phân loại phim đã làm việc với đại diện đơn vị sản xuất và đạo diễn Trần Thanh Huy về việc Ròm đã vi phạm pháp luật hiện hành khi mang phim đi dự thi quốc tế mà chưa được cấp phép.

Chỉ 2 ngày sau đó, HK Film đã gửi thư tới Giám đốc LHP Busan xin rút phim Ròm nhưng không được vì vé đã bán, phim đã được quảng bá và danh sách đề cử New Currents đã chốt.

Không còn cách nào khác, Ròm đành phải tiếp tục dự thi và dành chiến thắng tại LHP Busan. Sau khi trở về nước, ngày 14 tháng 10, thanh tra Bộ văn hóa thể thao và du lịch ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất bộ phim Ròm 40 triệu đồng.

Hành trình 8 năm cho sự ra đời của phim điện ảnh Ròm.
Hành trình 8 năm cho sự ra đời của phim điện ảnh Ròm.

Tin vui cho cả một hành trình gian nan

Sau chiến thắng tại LHP Quốc tế Busan, Ròm mới đây tiếp tục đoạt giải "Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất" (Best First Feature) tại Liên hoan phim Quốc tế Fantasia lần thứ 24. Liên hoan phim Quốc tế Fantasia được thành lập từ năm 1996 và tổ chức hằng năm tại Montreal, Canada. Đây là một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất khu vực Bắc Mỹ.

Năm nay vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19, liên hoan phim không tổ chức gặp gỡ như mọi năm mà chỉ công bố giải thưởng thông qua hình thức trực tuyến.

Hành trình 8 năm cho sự ra đời của phim điện ảnh Ròm.
Hành trình 8 năm cho sự ra đời của phim điện ảnh Ròm.

Cuối cùng, sau nhiều lần dựng phim và chỉnh sửa, bản phim cuối cùng với thời lượng 79 phút đã được cấp phép trình chiếu vào ngày 31 tháng 3 năm 2020. Phim dự kiến công chiếu vào ngày 31 tháng 7 năm 2020 nhưng đã hoãn do dịch bệnh. Lịch chiếu Ròm mới nhất được ấn định vào ngày 25 tháng 9 tới.

Lễ khai giảng đặc biệt mùa Covid-19 53 trẻ em dưới 1 tuổi từ Hàn Quốc về Việt Nam vì dịch Covid-19 Thuốc điều trị Covid-19 được phát triển bởi nhà khoa học Việt
Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp