Chiếc áo này phải đi cùng với chiếc quần này hay chân váy kia, phụ kiện dành cho set đồ này là không thể thay thế. Cứ như thế, chúng ta xây dựng một "đế chế" thời trang khổng lồ ngay trong chính căn phòng của mình nhưng không có quần áo nào được mặc lại ít nhất lần thứ hai. Đó là tất cả những gì mà xu hướng thời trang nhanh đang làm với những tín đồ cuồng mua sắm.
Chúng ta quyết định "xuống tay" cho một bộ váy đẹp long lanh, giá lên tới vài triệu đồng chỉ để tham dự một buổi tiệc, chụp vài bức ảnh để khoe mẽ sự thời thượng và nó không bao giờ được mặc lại nữa. Câu hỏi đặt ra là giá trị sử dụng quần áo lại đắt đỏ đến thế sao, khi rất nhiều người không muốn mặc lại quần áo đến 2 lần.
Nếu bạn là một người trong số họ thì những câu chuyện sau đây sẽ chỉ ra cho bạn thấy rừng đang phung phí tiền vào thời trang như thế nào?
"Shopaholic" là khái niệm chỉ những người cuồng mua sắm và sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua quần áo mới mỗi ngày, mỗi giờ. Họ tôn sùng 2 chữ "Xu hướng". Đặc điểm nhận dạng của một shopaholic là khi họ trở thành khách VIP của nhiều cửa hàng quần áo, cực kỳ thông thạo mua sắm online và luôn là những người đón đầu xu hướng.
Trên mạng xã hội, L.V - một cô gái trẻ sống tại TP. Hồ Chí Minh cho biết mỗi tháng, cô chi khoảng 3-4 triệu đồng để mua nhiều quần áo từ các trang thương mại điện tử như SHEIN, Taobao. Đặc điểm của những trang này là luôn cập nhật xu hướng mới, quần áo đẹp bao la mà giá thành lại tương đối rẻ. Nghĩa là thay vì sắm hàng hiệu đắt đỏ, chỉ với vài triệu đồng, bạn vẫn có thể mua chục món gồm cả quần áo để phối đồ. Tuy nhiên, vì là thời trang fast fashion, được sản xuất với chi phí tối thiểu nên phần lớn quần áo đều không được hoàn thiện ở tình trạng tiêu chuẩn. Một số được may bằng chất liệu kém, hình in xô lệch hoặc phom dáng méo mó. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến những người như L.V chỉ mặc nó 1 lần để chụp ảnh rồi cất tủ.
Với những ưu điểm hấp dẫn như giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng và luôn cập nhật xu hướng mới, mua sắm và tiêu dùng thời trang nhanh đã trở thành sở thích của nhiều người. Với tâm lý của người mua hàng phổ thông, họ yêu thích quần áo rẻ, dễ mặc và mới mẻ. Còn nếu bạn là một tín đồ yêu thời trang, bạn vẫn có thể thỏa mãn với những món đồ thời trang nhanh. Có thể thấy, sự ra đời của thời trang nhanh đã nhanh chóng thâu tóm thị trường mua sắm trên toàn thế giới, nhờ vào khả năng kích thích mua sắm mãnh liệt.
K.T - 22 tuổi, chia sẻ rằng cô yêu thích mua đồ ở những sàn thương mại điện tử vì chúng có tất cả mẫu mã giống thần tượng của mình. Thật hấp dẫn khi có thể mặc những trang phục "xịn xò" với giá chỉ bằng vài ba tô phở. Tuy nhiên, đến khi mua về, cô mới tá hỏa phát hiện mình đã "quăng tiền qua cửa sổ" khi để đa số quần áo đều không đạt chất lượng như kỳ vọng, mặc 1-2 lần là phải cất tủ vì không còn mới nữa. Dù biết đã phung phí nhưng cô gái phải tự an ủi bản thân rằng sẽ có lúc cần tới.
Một trong những xu hướng khiến thời trang fast fashion phát triển hơn chính là Y2K. Những chiếc áo croptop, quần jeans "cộp mác" phong cách cũ, không tốn quá nhiều chất xám cho mẫu mã nhưng lại có thể sản xuất hàng loạt. Kiểu dáng thì hoàn toàn kiệm vải nhưng giá thành có thể đẩy lên rất cao vì đang là xu hướng, được nhiều người săn đón.
Nếu bạn có một núi quần áo không mặc đến, cách tốt nhất là cho chúng có một "mái nhà" mới. Việc bán lại hay thanh lý chính là giải pháp cho những món quần áo không dùng đến nữa. Thế nhưng, nỗi đau lại càng nhân lên khi thực tế là những món đồ hầu như mới này sẽ chỉ bán được 1/2 - 1/3 giá trị. So với đồ có thương hiệu, đồ trên sàn thương mại điện tử còn mất giá hơn. "Đồ tôi mua giá rẻ nên không biết bán lại giá bao nhiêu cho hợp lý", L.V chia sẻ trong quá trình cô lập tài khoản trên MXH để nhượng lại đồ mặc 1 lần. Trong khi đó, K.T khẳng định "Đồ xu hướng đã lỗi thời từ lâu nên không còn ai thích thú".
Nghe mới thấy, chạy theo xu hướng mới, ham đồ giá rẻ thì như thấy lợi trước mắt mà có quá nhiều hệ quả lâu dài.
Bình luận