Mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng về ẩm thực riêng biệt. Nếu đã quá quen với món ăn miền Bắc, miền Nam, vậy thì hãy cùng 2 Đẹp ghé đến Tây Nam Bộ - mảnh đất nhiều kênh rạch chằng chịt với nền ẩm thực độc đáo, thể hiện nét hào sảng cùng tấm lòng bình dị của người dân.
Miền Tây có nhiều món ăn đặc sắc, trong đó, không thể bỏ qua món lẩu cù lao trứ danh, ai ăn một lần đều sẽ nhớ mãi.
Lẩu cù lao có khá nhiều tên gọi như: lẩu thở, lẩu than... Đây là món ăn dân dã và bình dị nhưng vô cùng nổi tiếng ở cách tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nguyên liệu của món ăn này không thống nhất, tùy theo văn hóa và điều kiện sống của từng vùng. Tuy nhiên, lẩu cù lao vẫn có một số nguyên liệu đặc trưng như: chả thát lát, gan heo, tim heo, mề vịt, mề gà...
Sở dĩ món lẩu này có tên gọi độc đáo như vậy là do hình dáng của vật dụng đựng lẩu, tương tự một cù lao. Ngày trước, do không có bếp điện, bếp ga như bây giờ nên người dân miền Tây đã sáng tạo ra cù lao. Đầu tiên, chúng được làm bằng thau rồi dần được thay thế bằng nhôm. Cù lao có hình trụ tròn làm chủ đạo. Phía dưới là ống rỗng chứa than. Ở giữa có vòng tròn lớn dùng để đựng thức ăn. Khi than cháy đỏ sẽ làm cho thức ăn ở giữa chín đều.
Trước đây, lẩu cù lao thường xuất hiện trong đám cưới hoặc mỗi bữa tiệc của người dân miền Tây. Sau này, món ăn được nâng tầm thành đặc sản địa phương và thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn nổi tiếng để phục vụ thực khách khắp nơi tới thưởng thức.
Lẩu cù lao là món ăn bình dị, có thể thưởng thức quanh năm. Tùy theo từng địa phương mà nguyên liệu làm món ăn lại khác nhau. Ở Cà Mau, Kiên Giang, người ta thường cho tôm, mực tươi vào lẩu. Hay như ở Đồng Tháp, An Giang thì chẳng thể thiếu cá làm nguyên liệu để nhúng. Tuy nhiên, dù ở vùng nào thì lẩu cù lao vẫn không thể thiếu chả thát lái, mề gà, mề vịt, gan heo hay tim heo... Ngoài ra còn có một số loại rau củ đặc trưng như củ sắn, cà rốt, bắp cải, nấm rơm để tạo nên hương vị thanh ngọt cho nước lẩu.
Các nguyên liệu sẽ được xếp vào vòng tròn quanh nồi rồi được chan nước lẩu lên. Sau đó, nhân viên sẽ cho than vào ống đốt để làm chín thức ăn. Đặc biệt, ở miền Tây thường sử dụng than cây đước chứ không phải than hoa. Loại than này giữ nhiệt lâu, ít tro bụi, cháy đều và giữ nồi lẩu sôi liên tục.
Khi lẩu sôi, thực khách nhanh tay cho rau và mì vào nhúng rồi vớt ra bát. Cuối cùng là chan thêm nước lẩu, đặt tôm, cá, mực lên trên và thưởng thức. Vị tươi rói của các nguyên liệu hòa quyện với nước dùng thanh ngọt sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Nếu như có điều kiện, bạn có thể ghé các tỉnh miền Tây để thưởng thức lẩu cù lao truyền thống. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo một số địa điểm phục vụ món lẩu cù lao ngay tại thành phố Hồ Chí Minh mà 2 Đẹp đã tổng hợp lại dưới đây.
1. Lẩu cù lao Nguyễn Xí
Địa chỉ: 410 Nguyễn Xí, Phường 13, quận Bình Thạnh, TP. HCM.
2. Lẩu Dân Ích
Địa chỉ: Đường Châu Văn Liêm, Quận 5, TP. HCM.
3. Lẩu than Hàng Xanh
Địa chỉ: Ngã tư Hàng Xanh, TP. HCM.
Bình luận