Sáng 8/7, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà Thuận Kiều Plaza ở quận 5 để thành lập bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Dự kiến việc thi công sẽ hoàn thành nhanh chóng để kịp thời đối phó với tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp và số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày tại thành phố lớn nhất nước ta này.
Thuận Kiều Plaza là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, tổ hợp này lại nổi tiếng vì những câu chuyện huyền bí, liêu trai được lan truyền trong cộng đồng người dân không cách nào xóa bỏ.
Lịch sử ra đời và hình thành Thuận Kiều Plaza
Thuận Kiều Plaza hiện tại thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Được khởi công xây dựng năm 1994 (cách đây 27 năm), với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2, tọa lạc tại phường 12, quận 5 - một ví trí đắc địa của thành phố mang tên Bác. Công trình này có 3 tòa nhà cao 33 tầng với 648 căn hộ, phòng chức năng, có cả trung tâm thương mại, các khu phức hợp với quy mô có thể nói là lớn nhất thời bấy giờ.
Thế nhưng nhiều năm đã qua, ngoài phần khối đế của toà nhà đã được khai thác thì các phần còn lại của tòa nhà gần như bỏ hoang. Thậm chí có những điểm chỉ được biết đến bở những lời đồn thổi về hàng chục câu chuyện tâm linh đầy ma mị.
Năm 1994, dự án Thuận Kiều Plaza được Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 liên doanh cùng với Kings Harmony Int MTV của Hong Kong xây dựng trong vòng 5 năm từ 1994 đến năm 1999, vốn đầu tư tới 55 triệu USD với 4 mặt tiền thuộc các đường Dương Tử Giang, Tân Hưng, Thuận Kiều và Hồng Bàng.
Nhưng gần như thời gian sau đó, Thuận Kiều Plaza đã thất bại trong việc thu hút người dân đến đây sinh sống, nguyên nhân được cho là bởi sai lầm trong cách thiết kế các căn hộ ở đây, vốn được xây dựng nhằm đón đầu lượng cư dân Hong Kong di cư vào TP.HCM giai đoạn những năm 1994 – 1998 (thời điểm trong Nam cực thịnh với làn sóng Hong Kong từ văn hóa, phim ảnh tới đầu tư kinh tế).
Thiết kế các khu căn hộ và trung tâm thương mại này đi theo phong cách của người Hong Kong với đặc trưng là diện tích nhỏ, trần nhà thấp, không gian ngột ngạt, ít có khoảng không gian xanh (nếu hay xem các bộ phim Hong Kong, chúng ta có thể dễ dàng gặp hình ảnh các căn chung cư kiểu này).
Vì không gian thiếu sự thông thoáng nên dễ dẫn tới các bệnh về đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Thêm vào đó, chất lượng nhà ở được xây dựng lại kém và nhanh xuống cấp, từ đường điện, ống nước cho tới những trang thiết bị bên ngoài nên người dân nơi đây đã dần dần chuyển đi hết.
Trong lịch sử tồn tại của tòa nhà Thuận Kiều, có không ít những câu chuyện thật có, đồn đại có, phóng đại có xảy ra ở nơi đây, hầu hết là những chuyện mang màu sắc kinh dị, ma quỷ nên càng khiến danh tiếng của Thuận Kiều Plaza đi xuống trong lòng người dân Sài Gòn.
Nỗ lực hồi sinh Thuận Kiều Plaza bất thành
Giữa năm 2015, Thuận Kiều Plaza bất ngờ được CTCP đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Ngay sau đó, nhiều tin đồn về việc Thuận Kiều Plaza sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn để xây dựng thành một dự án khác…Tuy nhiên, công ty An Đông sau đó đã bác bỏ mọi thông tin trên và cho biết sẽ chỉ cải tạo phần khối đế thương mại của dự án và đặt tên mới The Garden Complex.
Vậy là sau gần 20 năm bị gọi là “tòa nhà 3 cây nhang" thì nay Thuận Kiều Plaza được "phẫu thuật thẩm mỹ" thêm màu xanh lá như “3 cây trúc" và đổi tên thành The Garden Mall cho trung tâm thương mại, The Garden Apartment cho căn hộ.
Đầu tháng 11/2017, trung tâm thương mại The Garden Mall chính thức được khai trương gồm 3 phân khu: không gian tổ chức sự kiện, trung tâm giải trí - ẩm thực, khu căn hộ cho thuê. Lần đầu tiên từ khi ra đời, tổng diện tích sàn hơn 30.000 m2 của Thuận Kiều Plaza được lấp đầy với nhiều tiện ích, dịch vụ đa dạng và cả cảnh quan theo phong cách hiện đại. Thời điểm mới ra mắt, The Garden Mall thu hút không ít người đến tham quan, mua sắm.
Nhiều người kỳ vọng sau khi về tay Vạn Thịnh Phát, Thuận Kiều Plaza sẽ "thoát thai hoán cốt" để không còn bị cái danh là "tòa nhà chết" nữa. Song trả qua hơn 5 năm "bình mới" thì cuối cùng vẫn là "rượu cũ". Không rõ có phải "lời nguyền" của Thuận Kiều Plaza quá nặng hay không mà sau 4 năm đi vào hoạt động, The Garden Mall cũng không tránh khỏi thua lỗ rồi rơi vào cảnh bỏ không một cách lãng phí.
Về phía chủ đầu tư The Garden Complex thì trong năm 2020, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan) đã báo cáo lỗ sau thuế hơn 22,84 tỉ đồng. Tính tới cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của An Đông đạt gần 9.110,5 tỉ đồng trong khi khoảng nợ theo hệ số là gần 37.000 tỉ đồng.
Tình hình dịch bênh Covid-19 bùng phát trong khoảng hơn 1 năm qua càng làm cho tình hình của The Garden Complex (Thuận Kiều Plaza) thêm bi đát, kết quả là tới tháng 7 năm nay, đơn vị này đã đồng ý để UBND TP.HCM sử dụng cải tạo thành bệnh viện dã chiến trong nỗ lực kiểm soát và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Có lẽ ngoài "tấm lòng" vì cộng đồng của đơn vị chủ quản, ai cũng hiểu, sự vắng vẻ và quạnh hiu của nơi này chính là địa điểm phù hợp nhất để thực hiện khu cách ly, điều trị dịch bệnh tại trung tâm Sài Gòn hoa lệ.
Bình luận