Nếu như Việt Nam nổi tiếng với món phở thơm ngon nức tiếng thì Nhật Bản lại được biết đến với món mì Udon sợi dài dẻo dai, ăn kèm nước súp thanh ngọt đặc trưng. Trong những ngày hè oi bức, được thưởng thức một bát mì Udon đối với người dân xứ sở hoa anh đào thì chẳng có gì tuyệt vời bằng.
Mì Udon là một loại mì phổ biến và nổi tiếng của Nhật Bản. Đặc trưng của mì Udon là sợi mì rất dày và được làm từ bột mì. Mì Udon có thể dùng được cho cả mì nóng mì lạnh, tuy nhiên, mì Udon nóng có phần phổ biến hơn.
Có nhiều câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của mì Udon, tuy nhiên, nổi tiếng nhất là câu chuyện liên quan đến nhà tu hành Kukai. Vào đầu thế kỷ thứ 9 sau công nguyên, ông đã thực hiến một chuyến ngao du khắp Trung Quốc để học tập và nghiên cứu. Để khi trở lại Nhật Bản, ông đã làm ra loại mì dày này và chúng trở nên phổ biến khắp tỉnh Sanuki. Về sau, nơi đây được xem là nơi khởi đầu cho mì Udon phát triển.
Một câu chuyện khác kể lại rằng, vào năm 1241, Enni - một nhà sư phái Rinzai đã giới thiệu kỹ thuật xay bột mà bản thân học từ Đại Tống tới Nhật Bản. Các khối bột sau khi nhào được làm thành mì trong các món như soba, udon và nhiều loại bánh kếp. Công đoạn này được xem là bước quan trọng quyết định đến nét riêng biệt của từng loại mì và sau đó, lỹ thuật nhào bột đã được giới thiệu lan truyền khắp đất nước. Dưới thời Edo, các loại mì dày đều được gọi chung là mì Udon và Hakata được xem là nơi đầu tiên sản xuất mì Udon dựa theo công thức của Enni.
Ngoài ra, còn có một câu chuyện khác liên quan sứ giả người Nhật trong thời kỳ Nara. Trong chuyến đi sang Trung Quốc vào thời nhà Đường, ông được giới thiệu 14 loại bánh kẹo. Một trong số loại bánh kẹo này có tên là sakubei, được ghi là muginawa. Chúng được làm từ bột mì và bột gạo. Đây cũng được xem như khởi nguồn của mì Udon trong ẩm thực Nhật Bản.
Mặc dù cho đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của mì Udon nhưng giá trị văn hóa ẩm thực mà món ăn này mang lại đã tạo được dấu ấn đặc sắc riêng cho Nhật Bản.
Udon (う ど ん) là loại mì sợi được làm từ bột mì, dày hơn mì Soba và có màu trắng ngà. Tùy theo từng nơi, mì Udon có thể là hình vuông, hình ống, sợi dày, sợi mỏng khác nhau. Thậm chí, tùy theo thời tiết, nhiều quán ăn sẽ làm sợi mì Udon mỏng hơn để dễ ăn và ngon hơn khi dùng lạnh. Tuy nhiên, điểm chung là khi được nấu chín, mì Udon sẽ có độ dẻo dai, thơm ngon đặc trưng.
Thông thường, mì Udon sẽ được phục vụ dưới dạng mì nóng, ăn kèm với nước súp và đồ ăn kèm khác nhau như: tôm cỡ lớn, thịt bò, gà nấm, đậu phụ chiên dạng túi được tẩm đường...
"Kake" có nghĩa là chan lên, tức là đây là món "mì Udon không người lái", chỉ gồm nước dùng và mì, không có thêm bất cứ loại nhân nào khác. Nước dùng của Kake Udon thường được nấu từ nước tương, mirin và nước dashi.
Ngoài sợi mì, đầu bếp sẽ phục vụ những miếng Tempura đặc trưng để ăn kèm. Tùy theo yêu cầu của thực khách mà những miếng Tempura tẩm bột sẽ được đặt trên một đĩa riêng bên cạnh khay hoặc ngay trên những sợi mì.
Curry Udon là món ăn phổ biến vào mùa đông vì thường được dùng khi còn nóng. Đây là sự kết hợp giữa mì Udon và cà ri, tuy nhiên, hãy lưu ý vì món ăn này rất dễ bắn bẩn lên quần áo của bạn khi ăn.
Ngoài sợi mì Udon, Nabeyaki Udon sẽ có thêm nhiều loại nhân ăn kèm như: trứng, nấm, kamaboko (chả cá có màu trắng và hồng) cùng các loại rau.
Trong tiếng Nhật, "kitsume" có nghĩa là con cáo. Sở dĩ có tên gọi kỳ lạ như vậy là do người Nhật Bản cho rằng đậu phụ chiên vàng là món mà loài cáo rất ưa thích. Khi nhắc đến những miếng đậu phụ chiên là nhắc đến loài cáo. Do đó, món Kitsume Udon là tô mì dùng chung với hành lá và vài lát đậu phụ ở trên.
Tùy theo kiểu chế biến mà bạn nên thưởng thức mì Udon theo cách khác nhau. Khi thưởng thức mì Udon nóng, hãy gắp mì như bình thường và hút cọng mì để tạo ra tiếng "xì xụp". Mặc dù điều này được coi là "vô duyên" ở Việt Nam nhưng trong văn hóa Nhật Bản, việc bạn ăn mì tạo ra tiếng càng to thì chứng tỏ món ăn đó càng ngon cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với người đầu bếp.
Bên cạnh đó, mì Udon lạnh cũng rất được ưa chuộng. Món ăn này phổ biến nhất trong những ngày hè oi bức. Sợi mì sau khi được chần qua nước lạnh sẽ được phục vụ cùng nước dashi để lạnh, tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn. Nhiều người cho rằng được thưởng thức một bát mì Udon lạnh giữa thời tiết nóng nực thì chẳng còn gì tuyệt vời bằng. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý cách thưởng thức món mì lạnh này. Tốt nhất hãy gắp vài cọng mì, chấm vào bát nước dùng trước khi ăn và không nên đổ hết nước dùng vào bát mì Udon nhé!
Bình luận