Trước tình trạng xuất hiện nhiều tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng để lừa đảo, ngân hàng VietinBank mới đây vừa gửi thông tin cảnh báo đến các khách hàng. Theo đó, khi nhận được tin nhắn mang tính cảnh báo từ ngân hàng, người dùng chỉ cần bình tĩnh nhận biết là có thể tránh được.
Cụ thể, ngân hàng VietinBank khuyến cáo khách hàng không bấm vào các link giả mạo, không đăng nhập dịch vụ VietinBank iPay từ các tin nhắn lạ. Đặc biệt, không cung cấp Tên truy cập, Mật khẩu, Mã OTP và các thông tin cá nhân bởi các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo hòng chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, khách hàng cần lưu ý chỉ giao dịch với VietinBank tại website duy nhất đó là https://www.vietinbank.vn và ứng dụng iPay Mobile, hoặc liên hệ tổng đài của ngân hàng để được hỗ trợ.
Được biết, hiện nay đang xuất hiện một loạt các tin nhắn mạo danh VietinBank và điểm chung của các tin nhắn này là đưa ra lời cảnh báo về việc tài khoản của người dùng đang bị kẻ xấu xâm nhập. Yêu cầu khách hàng khẩn trương truy cập vào một đường link gần giống với website của VietinBank. Nếu người dùng không tinh ý, bấm vào đường link và đăng nhập theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, lập tức tài khoản ngân hàng bị kẻ xấu chiếm đoạt để chuyển tiền đến một tài khoản khác.
Cụ thể, các đối tượng nhắm đến khách hàng của VietinBank thường sẽ gửi một số tin nhắn lừa đảo phổ biến như:
Đối tượng lừa đảo đã giả mạo tổng đài VietinBank, nhưng lại viết sai tên nhà băng này thành Viettinbanh. Thậm chí những tin nhắn kiểu lừa đảo thường mắc những lỗi chính tả sơ đẳng như: Sau dấu chấm ở chữ "ngoai" lại không viết liền với chữ liền trước; cuối tin nhắn lại thiếu dấu chấm. Đồng thời đi kèm với tin nhắn SMS này là một đường link giả mạo ngân hàng.
Hoặc đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho khách hàng 1 đường link lạ hoắc để mạo danh VietinBank, và hiển nhiên tin nhắn này lại mắc lỗi chính tả đó là chữ "b" trong VietinBank không viết hoa theo đúng tiêu chuẩn và cũng thiếu dấu chấm câu.
Thậm chí có những tin nhắn đối tượng lừa đảo không cần che đậy số điện thoại của mình. Tin nhắn dạng đánh vào lòng tham của nạn nhân cũng tương đối phổ biến, bằng một yêu cầu "hoàn tất mã dự thưởng" tại một đường link lạ, có đuôi VietinBank. Tin nhắn dạng này cũng mắc lỗi chính tả khi dấu chấm câu sau đường link được viết cách.
Hoặc những tin nhắn giả danh ngân hàng nhưng nội dung lại viết sai tên ngân hàng (chữ cái "b" không được viết hoa), kết thúc tin nhắn cũng không có dấu chấm câu. Nếu ai chú ý một chút thì chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể nhận ra đường link trong tin nhắn không phải là website chính thức của ngân hàng. Chưa nói đến đường link có tên miền lạ lẫm, những tin nhắn giả danh thường mắc một loạt lỗi chính tả phổ biến như lỗi chấm câu, hay giữa hai câu lại không có dấu ngắt quãng...
Do đó, ngân hàng khuyến cáo người dùng cần hết sức cảnh giác, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bình luận