Sau hàng loạt những vụ việc ầm ĩ liên quan đến tiền từ thiện và ủng hộ của những nhà hảo tâm gửi tới đồng bào lũ lụt miền Trung. Từ những vụ "chần chừ chủ ý" cho đến những "nghi án chưa có lời giải", thậm chí ngay cả với những nghệ sĩ tuyên bố và thực hiện việc "sao kê" công khai số tiền mình đã nhận và đã chi ra sao nhưng vẫn chưa thể làm một bộ phận đông đảo công chúng thấy thỏa mãn và tin tưởng.
Thôi thì để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân, các nghệ sĩ cũng đã làm rất nhiều cách thức khác nhau, âm thầm có, công khai có, bức xúc có mà khóc lóc cũng đủ luôn. Một số nghệ sĩ như Trấn Thành, Thủy Tiên hay thậm chí cả MC Phan Anh cũng kiên quyết lấy lại sự "trong sạch" cho mình bằng cách công khai số tiền trong tài khoản nhận tiền ủng hộ để làm từ thiện của mình.
Thế nhưng ngay khi có cả sự đảm bảo và xác nhận một số thông tin khác nhau của ngân hàng thì dường như độ tín nhiệm của các tờ "sao kê" vẫn chưa được thuyết phục cho lắm. Chính vì vậy, nhiều người đã đưa ra ý kiến là phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc để xác thực thông tin số tiền trong tài khoản mà các nghệ sĩ công bố, cũng như đảm bảo tính minh bạch của các chứng từ.
Nhưng liệu có đúng là khi cơ quan kiểm toán vào cuộc thì mọi việc sẽ được sáng tỏ và các thông tin sẽ là thông tin đủ tin cậy và có giá trị?
Câu trả lời là KHÔNG, ít nhất là về mặt pháp lý. Để giải đáp cho câu hỏi trên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo Luật Kiểm toán độc lập 2011 ban hành thì hiện tại, ở Việt Nam không có quy định kiểm toán nào được áp dụng cho cá nhân.
Theo đó, luật kiểm toán (cụ thể là ở Điều 4 về “Mục đích kiểm toán” và khoản 6, Điều 5 về “Giải thích từ ngữ” ) có nêu đại ý rằng: Hoạt động kiểm toán độc lập có hiệu lực với các đơn vị bao gồm các doanh nghiệp và tổ chức hành chính, sự nghiệp với mục đích công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị được kiểm toán.
Qua đó có thể thấy, các hoạt động kiểm toán sẽ không áp dụng dành cho một cá nhân cụ thể nào. Mọi giao dịch dân sự phát sinh trong tài khoản đứng tên chủ sở hữu là cá nhân sẽ thuộc về trách nhiệm riêng của cá nhân đó, bao gồm cả các loại tiền được truyền thông hay bản thân chủ tài khoản nói là "dùng cho mục đích từ thiện".
Nói cách khác, đối với quy định về kiểm toán thì chỉ áp dụng với hoạt động của một quỹ từ thiện cụ thể, chứ chưa có quy định về kiểm toán đối với hoạt động từ thiện của cá nhân. Nếu một quỹ từ thiện bị kiểm toán thì sẽ phải chấp hành các yêu cầu bắt buộc về sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ thu chi theo đúng chuẩn mực của kiểm toán nhà nước ban hành.
Dựa vào các điều trên, luật sư Đức cho biết, các hoạt động hô hào đóng góp của những nghệ sĩ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành hay Thủy Tiên hoàn toàn là hoạt động cá nhân tự phát, mọi số tiền được chuyển tới những số tài khoản đứng tên những nghệ sĩ trên đều là giao dịch dân sự. Vì vậy, nếu kiểm toán có vào cuộc và đưa ra con số trong tài khoản cá nhân của bất kỳ nghệ sĩ nào cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa, bởi chúng không chịu ràng buộc về mặt pháp lý, không có giá trị là một văn bản được pháp luật bảo đảm. Kiểm toán lúc này cũng chỉ xác nhận ở mức độ "tin cậy" cao nhất đối với thông tin về số tiền thu - chi ra khỏi tài khoản đó vào một khung thời gian nào đó. Mà điều này thì ngân hàng vốn dĩ đã xác minh rồi.
Mấu chốt của vấn đề là chi tiền ra và giải ngân cụ thể thế nào, đây là điều không có đơn vị kiểm toán nào chứng minh được. Bởi khi nghệ sĩ sử dụng tiền đã được rút ra, chuyển đi đều không trái pháp luật , không trái với đòi hỏi của các cơ quan liên quan, các hoạt động phát tiền như của Thủy Tiên, mua đồ cứu trợ như của Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng hay chuyển cho người khác "từ thiện" hộ của Trấn Thành là việc cá nhân của họ, cơ quan duy nhất yêu cầu được họ phải công khai tất cả mọi thông tin - đó là cơ quan công an kinh tế hoặc hình sự. Mà để điều này xảy ra thì phải có đầy đủ các bước theo đúng quy trình khởi tố, nhân chứng, vật chứng phải đủ "sức nặng" chứ không thể "cứ thích là làm" được.
Bình luận