Timothy Ray Brown được mệnh danh là ''bệnh nhân Berlin'' (Berlin là nơi ông sống vào thời điểm chữa HIV). Ông đã chữa khỏi "căn bệnh thế kỷ" nhờ cấy tủy xương từ một người hiến có khả năng kháng virus AIDS. Trong nhiều năm, phương pháp này được cho là hiệu quả để chữa bệnh ung thư máu và HIV.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP mới đây, Timothy Ray Brown cho biết căn bệnh ung thư của ông đã tái phát vào năm ngoái và đã lan rộng. Ông hiện đang nhận dịch vụ chăm sóc cuối cùng ở nơi ở Palm Springs, California.
Timothy Ray Brown mắc HIV trong thời gian làm công việc phiên dịch ở Berlin vào những năm 1990. Đến năm 2006, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu.
Năm 2007, Timothy Ray Brown được thực hiện ca cấy ghép tủy đầu tiên để thử nghiệm phương pháp mới trong điều trị HIV. Năm 2008, ông tiếp tục được cấy ghép lần hai từ cùng một người hiến tặng.
Sau hai cuộc phẫu thuật, Timothy Ray Brown đã nhiều lần xét nghiệm âm tính với HIV và thường xuyên xuất hiện tại các hội nghị về AIDS, nơi thảo luận về nghiên cứu cách chữa trị bệnh.
Nói về ca cấy ghép tủy để chữa HIV, người đàn ông 54 tuổi cho biết: ''Nó đã mở ra những cánh cửa chưa từng có trước đây và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học làm việc chăm chỉ hơn để tìm ra phương pháp chữa trị, điều mà nhiều người từng nghĩ là không thể.''
Tiến sĩ Steven Deeks, chuyên gia về AIDS tại Đại học California, San Francisco chia sẻ: ''Timothy Ray Brown đã chứng minh rằng HIV có thể được chữa khỏi''.
Sau Timothy, người đàn ông thứ hai là Adam Castillejo (được gọi là "bệnh nhân London") cũng được chữa khỏi nhờ một ca cấy ghép tương tự vào năm 2016.
Bình luận