Do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bên cạnh những dự án khách sạn, nghỉ dưỡng 4-5 sao vẫn cầm cố được trong thời gian này, đa số các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn mini đều đang gặp phải áp lực rất lớn.
Kể từ làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện, giới bất động sản Việt Nam bùng nổ các giao dịch mua bán khách sạn tại TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn. Tuy lượng rao bán lớn nhưng lại bên mua được đánh giá là chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phần lớn các chủ sở hữu vẫn một mực giữ giá nhưng cũng có vài trường hợp đồng ý giảm xuống 5% hoặc sẵn sàng thương lượng giá xuống mức "sâu nhất có thể" để bán nhanh hơn.
Tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, ngoại trừ những trục đường kinh tế chính, thị trường mua bán khách sạn có vẻ nhộn nhịp nhất tại những tuyến phố gần chợ Bến Thành. Nhiều khách sạn quy mô từ 30 đến 100 phòng được chào giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Đa số đây đều là những nhà phố mặt tiền chuyển đổi công năng hoặc những khách sạn nhỏ được khai thác ổn định trong 10 năm chưa từng sang tay lần nào.
Không chỉ có quận 1, ngay cả quận 3, 6, 7, Bình Thạnh, cũng xuất hiện nhiều thông tin rao bán khách sạn, tài sản với cam kết "giảm giá nhẹ". Tiêu biểu một khách sạn quy mô 85 phòng tọa lạc ở quận 3 được rao bán với giá 380 tỷ đồng, đây là mức giá đã được chủ tài sản giảm 5% so với thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19.
Khu phố cổ ở Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều khách sạn đang rao bán nhất hiện nay. Tiêu biểu khách sạn Grand Vista Hà Nội (146 Giảng Võ) cao 17 tầng, 3 tầng hầm, 165 phòng nghỉ và phòng chức năng đã rao bán với giá 950 tỷ đồng.
Ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hàng loạt các tỉnh, thành phố du lịch khác như Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng... cũng đua nhau rao bán quyết liệt qua môi giới hoặc trên các sàn online. Tuy nhiên, quy mô của các khách sạn này đa phần đều từ 1-3 sao. Giá chào bán cũng thấp hơn tại TP.HCM và Hà Nội, dao động trong ngưỡng 15 tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng một tòa khách sạn dưới 30 phòng.
Do chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 và không rõ thời gian kết thúc dịch bệnh, nhiều khách sạn đã ghi nhận báo cáo lỗ liên tục và hướng đến phương án chuyển nhượng để cắt giảm chi phí và hoàn thành các nghĩa vụ vay với ngân hàng.
Bình luận