Các sản phẩm từ bơ sữa luôn góp mặt trong rất nhiều món ăn của thế giới, từ món ăn kèm với bánh mì tới các loại bánh ngọt, phô mai là thứ mà hầu hết mọi người đều đã từng nếm thử và với người dân các nước phương tây, họ không thể sống thiếu phô mai hàng ngày. Tất cả chúng ta đã quen thuộc với các loại phô mai phổ biến như Parmigiano, Gruyere, Cheddar hay Mozzarella... Còn phô mai Pule thì sao?
Đối với những người đam mê phô mai và những người đam mê ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới đều khao khát một lần được nếm thử phô mai Pule vì hương vị nổi tiếng của nó. Được mô tả là vụn và mềm, nó được cho là có hương vị tương tự như phô mai rất nổi tiếng của Tây Ban Nha - Manchego, nhưng có hương vị đậm hơn và phong phú hơn.
Phô mai Pule có giá khoảng 1000 euro (1136 đô la Mỹ) cho mỗi kilogram phô mai. Phô mai Pule đã được Viện Kỷ lục Thế giới (World Record Academy) chính thức công nhận là loại phô mai cao giá nhất thế giới. Thậm chí ở chợ trời, giá loại phô mai này có lên tới gấp 3, 4 lần so với giá niêm yết.
Tại sao phô mai Pule lại có giá cao ngất ngưởng như vậy?
Các loại phô mai thông thường sử dụng sữa bò, dê, cừu và trâu. Những cái hiếm hơn như sữa bò yak. Nhưng có lẽ hiếm nhất là sữa lừa, loại sữa có sản lượng ít và khó sản xuất. Sữa lừa là một loại thực phẩm giàu chất đạm, ít chất béo và một lượng đường lactose tương tự như sữa mẹ.
Một con lừa cái chỉ sản xuất khoảng 1,5 đến 2 lít sữa mỗi ngày, tuy nhiên mỗi lần vắt, bạn chỉ thu được khoảng 0.2 lít sữa. Thêm vào đó không có máy vắt sữa lừa nên công nhân phải vắt tay 3 lần một ngày. Được biết để làm được 1 kilogram phô mai cần khoảng 25 lít sữa thay vì 10 lít như sữa bò. Vì vậy, người ta ước tính rằng để sản xuất một cân Pule cần phải vắt sữa khoảng 90 con lừa.
Những con lừa vắt sữa để làm phô mai là giống lừa Balka, vốn có số lượng không nhiều và không phải con nào cũng cho sữa. Số lừa này sống trong một trang trại trong Khu bảo tồn Thiên nhiên đặc biệt Zasavica ở Serbia và chủ nhân của nó, Slobodan Simić, là nhà sản xuất phô mai Pule duy nhất trên thế giới.
Với số lượng lừa vài trăm con giới hạn trong một trang trại, những chú lừa Balka không thể cung cấp đủ lượng sữa nhằm sản xuất phô mai cho khắp nơi dù với bất kể giá cả như thế nào. Sau khi vắt xong, sữa được trộn với sữa dê (tỷ lệ lừa - dê là 60:40) và để đông, bước tiếp theo là được hun khói. Kết quả là một loại pho mát trắng vụn có đầy đủ hương vị. Theo ý kiến của một số người thì loại phô mai này có vị đậm đà, béo, thơm, rất đặc biệt.
Tại sao lại phải trộn với sữa dê như vậy? Bởi theo kết quả thử nghiệm thành phần dinh dưỡng trong sữa lừa thì không đủ hàm lượng casein (thành phần cơ bản của protein sữa động vật) để làm ra phô mai, do vậy phải thêm một lượng sữa dê vào sao cho đủ thành phần protein mà không bị mất đi hương vị đặc trưng của sữa lừa. Sau khi nghiên cứu công thức đạt được là 60% sữa lừa + 40% sữa dê.
Những lợi ích vượt trội của sữa lừa đã được đánh giá cao trong hàng ngàn năm. Có truyền thuyết kể rằng nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã tắm trong sữa lừa để cố gắng giữ gìn vẻ đẹp của mình. Chỉ chứa 1% chất béo và Vitamin C gấp 60 lần so với sữa bò, sữa lừa có lịch sử lâu đời trong việc được coi là một thành phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Tại khu bảo tồn Zasavica, người ta cũng bán xà phòng sữa lừa, dành cho những người tin vào khả năng phục hồi làn da của nó.
Ngoài số lượng hạn chê thì có một sự thật là phô mai Pule không hề dễ mua. Xét cho cùng, mức giá 30 triệu/ kg hay hơn vẫn là mức giá giới nhà giàu dư sức mua được. Nhưng vấn đề là loại phô mai có nguồn gốc ở Serbia này không được sản xuất thương mại và tất nhiên không bán đại trà.
Năm 2013, vận động viên Novak Đoković thậm chí còn mua toàn bộ sản lượng của phô mai Pule để cung cấp và tạo sự riêng biệt cho nhà hàng của mình. Tóm lại, phô mai Pul không có trên kệ tại các cửa hàng bán thực phẩm cao cấp nhất hay những nhà hàng sang trọng nhất; pule không được bán sẵn và chỉ có thể mua tại trang trại mà thôi. Và dù có tiền bạn cũng khó có thể mua được pule bất cứ lúc nào bạn muốn. Nhưng nếu bạn có rất nhiều tiền thì lại là câu chuyện khác.
Bình luận