Thông tin vừa được công bố của "ông lớn" Alibaba sẽ tạo nên một liên minh cực kỳ mạnh mẽ, đồng thời sẽ đẩy cuộc chơi bán lẻ tiêu dùng online lẫn offline tại Việt Nam khốc liệt hơn nhiều lần, bởi vì chắc chắn, tham vọng của liên minh này không gì khác là thông trị thị trường trong thời gian tới.
Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã chính thức ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với giá trị 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. Sau khi giao dịch trên được công bố thì The CrownX đã được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu. Mỗi cổ phần hiện tại đã có giá là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng).
The CrownX là cái tên được "dung hợp" từ Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM, đơn vị sở hữu chuỗi Vinmart, Vinmart+ của Vingroup trước kia). Trong vòng hơn 1 tuần qua thì cổ phiếu của MSN đã tăng mạnh trước khi "lên đỉnh" sau khi thông tin về sự tham gia của Alibaba được xác nhận.
Tính đến ngày 18/5, thị giá cổ phiếu MSN đã tăng 10,5% trong khoảng 1 tuần gần nhất. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu MSN tiếp tục cộng thêm 2,28% giá trị trong phiên sáng, lên giao dịch quanh mức 107.500 đồng/cp. Tính ra, giá trị vốn hóa của Masan đã vượt mốc 126 nghìn tỷ đồng.
The CrownX liên minh với Alibaba đồng nghĩa với việc họ sẽ có ngay được sự hợp tác của Lazada để thực hiện quy trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc mảng bán lẻ tích hợp từ truyền thống (offline) đến trực tuyến (online) - O2O (Online - Offline) tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp Masan Group tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng nền tảng điện tử của riêng mình.
Doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thể tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng có sẵn trên Lazada để đẩy mạnh bán lẻ online nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình kinh doanh cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh mặt trận thương mại điện tử chính là chiến lược tương lai mà The CrownX nói riêng và tập đoàn Masan nói chung hướng tới. "Mười năm trước, chúng tôi không biết bán hàng online là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác họa được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào", ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX cho biết.
The CrownX hiện kỳ vọng giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của đơn vị này. Theo các chuyên gia thì với hệ thống bán lẻ trực tuyến sẵn có của Lazada, hàng tiêu dùng của Masan sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần tại Việt Nam.
Thực tế trên thế giới, mô hình bán lẻ tích hợp online và offline không còn quá mới mẻ với đại diện là những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Amazon (Mỹ) hay bản thân Alibaba (Trung Quốc).
Tại thị trường Việt Nam thì mặt hàng nhu yếu phẩm chiếm 50% quy mô thị trường bán lẻ, chiếm 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt và là mặt hàng mà người dân có nhu cầu sử dụng hàng ngày. Vì vậy, tiềm năng phát triển của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm online là rất lớn.
Hiện nay tại Việt Nam, Không chỉ Masan, hiện tại nhiều chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước đều đang "có bầu sữa ngoại" hoặc thuộc sở hữu của nước ngoài, như Aeon Mall (Nhật Bản), BigC (Thái Lan, đổi thành Tops Market và GO!), Lotte Mart (Hàn Quốc),...
"Miếng bánh thị phần" tại Việt Nam thực sự sẽ rất chật chội song giới chuyên gia cho rằng, thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển về chất, sau Alibaba, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự gia nhập của Amazon, khi đó "miếng bánh" bán lẻ sẽ lại càng được tranh giành quyết liệt hơn, song người hưởng lợi cuối cùng khi đó là người tiêu dùng. Đó cũng là một điều không phải không tốt.
Bình luận