Hôm nay (21/12), Google đã đổi biểu tượng trên Google Doodle thành Hành tinh đôi Đông chí để chúc mừng cho sự kiện kì thú 400 năm mới lặp lại này.
Hành tinh đôi Đông chí là hiện tượng gì?
Đây là một hiện tượng “đại trùng tu” mà ở đó sao Mộc và sao Thổ có thể ở gần nhau nhất cùng với đó là sự kết hợp của sự kiện ngày Đông chí.
Theo trang Space.com, lần gần nhất hiện tượng này xuất hiện là vào năm 1623, và lần gần nhất hiện tượng này xảy ra vào bầu trời buổi tối là năm 1226. Đây được coi là cơ hội hiếm chỉ có một lần trong đời để quan sát sự kiện kỳ thú này. Chỉ với góc lệch 0.1 độ, hai thiên thể khổng lồ trong hệ mặt trời sẽ trông như một ngôi sao đơn lẻ trên bầu trời. Trên thực tế, hai hành tinh này vẫn cách nhau đến 724.204.800 km.
Để quan sát được hiện tượng thiên văn này, bạn chỉ cần một bộ ống nhòm nhỏ. Nếu không có dụng cụ, bạn chỉ cần nhìn về phía Tây Nam vào lúc 18h30. Tại Việt Nam có thể quan sát hiện tượng này từ 17h30 đến 19h30. Tuy nhiên, nếu dùng kính viễn vọng có độ phóng đại lớn, ta có thể quan sát được sao Thổ với vành đai của nó và sao Mộc với những dải vân đặc trưng.
Thời gian quan sát cũng tương đối ngắn vì hành tinh có vị trí khá gần mặt trời. Chính vì vậy, phải sau hoàng hôn, khi ánh mặt trời giảm bớt, ta mới có thể quan sát kĩ, nhưng chúng cũng sẽ sớm lặn dưới đường chân trời. Nếu bỏ lỡ khung cảnh này, phải đến năm 2080 bạn mới có thể quan sát được một lần nữa. Sự kiện thiên văn này không phải 400 năm mới xuất hiện một lần, mà sao Mộc và sao Thổ sẽ trùng nhau 20 năm một lần. Vào năm 2000, hai hành tinh cũng đã từng hợp nhất nhưng vẫn cách nhau khoảng hai chiều rộng mặt trăng. Nhưng năm nay, các quỹ đạo sẽ đưa chúng đến vị trí chỉ cách bằng 1/5 đường kính mặt trăng.
Hiện tượng Đông chí
Theo thuật ngữ thiên văn học phương Tây, Đông chí là thời điểm có liên quan đến vị trí của hành tinh trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Đó là lúc kinh độ Mặt Trời bằng 270 độ ở Bắc Bán cầu, cũng là ngày bắt đầu mùa đông tại Bắc Bán cầu và ngày bắt đầu mùa hè tại Nam bán cầu. Thời gian này thông thường rơi vào ngày 21 tháng 12 hoặc 22 tháng 12. Khi đó tại Nam bán cầu thì khoảng thời gian ban ngày là dài nhất, đêm ngắn nhất và ngược lại ở Bắc bán cầu: Ngày ngắn nhất, đêm dài nhất.
Đối với một số quốc gia trong đó có Trung Quốc, Đông chí là một ngày lễ lớn. Họ sẽ tổ chức ăn chè trôi nước (thang viên) và các lễ hội truyền thống. Ngày Đông Chí là một yếu tố quan trọng để xác định ngày Tết Nguyên Đán cũng như xác định tháng nhuận trong âm lịch Trung Quốc. Năm nay, ngày 21/12 được tính là ngày Đông chí của năm.
Bình luận