Nếu bạn để ý, sẽ thấy ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang cho ra mắt những sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc da. Tại sao vậy?
Không phải ai cũng nhiều tiền để bỏ ra cả nghìn đô mua một chiếc áo khoác hay một chiếc túi hiệu. Tuy nhiên, một thỏi son hiệu thì hoàn toàn có khả năng. Việc ra mắt những sản phẩm hàng hiệu với giá thành dễ chấp nhận khiến tập khách hàng của các thương hiệu này mở rộng hơn bao giờ hết.
Việc mua sắm này giúp thỏa mãn việc sở hữu những món đồ hiệu của khách hàng nhưng không khiến chiếc ví phải khóc thét.
Đây cũng là bàn đạp để nhóm khách hàng này đầu tư cho những món hàng hiệu đắt đỏ hơn vào tương lai.
Ngành hàng thời trang là ngành hàng đánh vào "tư duy nhanh" của khách hàng. Khi mua một mặt hàng thời trang giá rẻ, khách hàng không cần phải cân nhắc hay tham khảo quá nhiều mà vẫn có thể ra quyết định mua hàng. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc mức độ níu chân thương hiệu trên những nền tảng truyền thông không quá cao. Khách hàng lựa chọn thương hiệu này và "bỏ rơi" thương hiệu khác, dễ dàng như chính cái cách họ hứng thú với các sản phẩm fast fashion.
Tuy nhiên, đối với ngành hàng mỹ phẩm, trang điểm, mức độ và thời gian tìm hiểu sản phẩm của khách hàng sẽ lâu hơn vì những sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc và sức khỏe của người sử dụng. Khách hàng cũng sẽ có xu hướng chia sẻ những bài đăng của thương hiệu tới bạn bè để hỏi han thêm thông tin và nhận xét. Bằng cách thu hút sự tập trung và quảng bá truyền miệng như thế này, các thương hiệu thời trang đã được truyền thông miễn phí và ghi dấu ấn mạnh mẽ, sắc nét hơn trong tâm trí khách hàng.
Ai chẳng muốn thử một sản phẩm kem lót có giá chỉ 1 USD của H&M nhưng chất lượng thì chẳng thua gì một sản phẩm tương tự của M.A.C có giá 15 USD? 1 USD là con số nhỏ đối với khách hàng và nếu chẳng hợp thì vứt đi cũng không cắn dứt. Dựa vào tâm lý này, vô số sản phẩm "mỹ phẩm nhanh" được ra đời.
Xu hướng mua sắm liên mạch one-top-shop đang ngành càng phát triển. Tại nước ngoài, người mua hàng chẳng mấy khó khăn bắt gặp những cửa hàng Zara hay H&M rộng như một sân bóng đá bán đủ thứ trên đời.
Khi đó, thương hiệu đều truyền đi một thông điệp nhất quán: Với sản phẩm đa dạng từ thời trang, làm đẹp cho đến đồ gia dụng,... người dùng chỉ cần đến cửa hàng của thương hiệu đó là đủ. Điều này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mà còn tối đa hóa khả năng mua hàng trên cùng một thương hiệu.
Thay vì chỉ mua quần áo, giờ đây bạn có thể mua mỹ phẩm, đồ dùng trong nhà... của các thương hiệu thời trang. Đó có thể là một cảm giác "rất ra gì và này nọ" với những người yêu thích việc cà thẻ vào mỗi dịp cuối tuần.
Bình luận