Từ trước đến nay, không hiếm các trường hợp người nổi tiếng đập hộp túi tiền tỉ nhưng bị bóc phốt là hàng nhái. Mới đây, cái tên gần nhất bị bóc trần sự thật là "yêu nữ hàng fake" đồng thời bị netizen đưa lên "giàn thiêu công lý" chính là cô nàng Song Ji A của show truyền hình thực tế Single’s Inferno.
Dù sau đó, Song Ji A đã phải đăng tải tâm thư viết tay xin lỗi người hâm mộ nhưng cô nàng vẫn bị chỉ trích rất nặng nề. Nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng và tiếc nuối đối với cô, bởi lẽ trước khi scandals nổ ra, Ji A xây dựng cực kỳ thành công hình tượng "công chúa nhà giàu" với đồ hiệu phủ kín người - như một lời khẳng định bản thân vô cùng phù hợp để cộng tác hay trở thành KOLs của những thương hiệu thời trang cao cấp.
Vậy tại sao người ta vẫn bất chấp đánh đổi vô số cơ hội tiến thân trong tương lai để dùng đố nhái? Và dù đã có rất nhiều biện pháp nhưng các thương hiệu vẫn không thể dẹp bỏ được vấn nạn này?
Gen Z là đối tượng tiêu dùng mới của các nhãn hàng. Đặc tính của Gen Z là ưa kết nối, nhanh nhạy trong cập nhật xu hướng mới đồng thời cực kỳ chủ động trong việc xây dựng hình ảnh, đánh bóng bản thân trên MXH. Làm thế nào để Gen Z có thể thu hút sự chú ý nhanh nhất trên không gian ảo? Một trong những câu trả lời phổ biến là khoe sự giàu có.
Dù vậy, đâu phải anh chàng, cô nàng 20 tuổi nào cũng có một núi tiền thật lớn hay sinh ra đã ngậm thìa vàng? Vậy là họ tìm tới hàng nhái như một cách để khoe khoang sự giàu có mà không tốn quá nhiều chi phí.
Chanel, Hermès là 2 cái tên đầu bảng trong việc thắt chặt nguồn cung hàng hóa trong năm 2022. Tại thị trường Hàn Quốc, Chanel còn mạnh tay đưa ra quy định: Mỗi khách hàng chỉ được mua 1 chiếc túi. Điều này càng đẩy mạnh nhu cầu săn hàng hiệu của giới trẻ nước này.
Song song với những cơn thèm khát hàng hiệu của giới siêu giàu, có một làn sóng âm ỉ cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đó là làn sóng xài "hàng fake", nhất là khi công nghệ bắt chước, nhái lại ngày càng phát triển và cho ra đời những sản phẩm "pha - ke" nhìn qua trông chẳng khác gì hàng thật.
Theo cựu giám đốc Hermès - ông Patrick Hermès, có đến 80% hàng hóa trên mạng là hàng giả. Chúng được làm tinh vi đến mức những nhà giám định lành nghề cũng phải bối rối.
Đừng nói là "người trần mắt thịt", đến những chuyên gia hàng hiệu còn không phân biệt nổi thật giả thì còn lý do gì để các “thượng đế trẻ” kìm hãm sự sung sướng khi bỏ chút tiền mua hàng nhái nhưng vẫn được sống ảo như hàng thật?
Về lâu về dài, việc sử dụng hàng nhái được cho là sẽ để lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho chính nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bạn đâu muốn bị ê chề như Song Ji A khi bị phát hiện mua hàng nhái? Nhưng đây không chỉ là câu chuyện dùng hàng fake rồi bị bóc phốt, việc dùng hàng nhái còn khiến cho một số chuẩn mực đạo đức trong xã hội bị lung lay. Vì xét cho cùng, việc sử dụng một sản phẩm "pha - ke" rồi tự hào vì vinh quang mà nó mang đến, chẳng khác nào một lời nói dối, phù phiếm, hư danh nhưng vô cùng trắng trợn.
Bình luận