Mang đậm nét đẹp hương vị của ẩm thực Hòa Bình, món ăn thịt trâu nấu lá lồm nổi bật với nét đẹp dung dị, giản đơn, gần gũi nhưng lại không hề tẻ nhạt. Điều đặc sắc này cũng bắt nguồn từ chính hai nguyên liệu chính để chế biến món ăn này là thịt trâu và lá lồm, khiến cho bất cứ ai khi thưởng thức lần đầu tiên cũng đều phải say mê hương vị đặc biệt mà nó mang lại. Thế nhưng, có nhiều người khi mới thưởng thức lần đầu lại cho rằng, thật khó để có thể miêu tả lại được hương thơm và mùi vị của món đặc sản này.
Lá lồm hay còn được biết đến với tên gọi khác là lá giang. Đây là một loại lá cây rừng, khi ăn sẽ cảm nhận được độ thanh mát và vị chua. Lá lồm sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên ở trong rừng và thường sẽ xuất hiện ở núi rừng Tây Bắc.
Cũng bởi lá cây này có vị chua nhẹ nhàng nên được sử dụng để thêm thắt vào rất nhiều những món ăn khác nhau. Trong dân gian, loại lá lồm này được chế biến trong các món ăn như lẩu lá lồm, canh chua,... Mặc cho loại lá này có thể chế biến thành nhiều món ăn lá vậy nhưng nếu để nói về món ăn đặc sản thì chắc chắn không thể không nhắc tới thịt trâu nấu lá lồm của người Mường tại Hòa Bình được.
Đối với thịt trâu được dùng để chế biến món ăn này nhất định phải là loại thịt đạt đủ tiêu chuẩn, thịt phải săn, tươi, và tốt nhất là không được để từ ngày hôm trước. Khi ấn thử tay vào miếng thịt trâu, nhất định người ta phải cảm nhận được rõ ràng sự dẻo dai, đàn hồi trên từng thớ thịt. Các đường cắt trên mặt thịt trâu cần phải có độ rít nhẹ, khô ráo, không được nhũn và không có phần dịch chảy ra. Thịt trâu sẽ có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, tùy thuộc vào từng vùng miền và trâu đã bao nhiêu tháng tuổi. Mỡ trâu có sắc trắng đục, có mùi gây tự nhiên chứ không có mùi ôi thiu hay mùi lạ gì.
Cách chế biến món ăn này thực ra cũng khá đơn giản. Trước khi cho vào nấu chung, thịt trâu sẽ được đem đi thui cho săn bì và dậy mùi. Thịt cần được cạo sạch phần lông và rửa sạch nhiều lần với nước. Tiếp đó, người ta sẽ thái thịt trâu thành những miếng nhỏ vừa miệng ăn theo thớ ngang để chắc chắn khi ăn, thịt sẽ không bị dai và trông cũng đẹp mắt hơn.
Đối với các loại gia vị tẩm ướp, người chế biến sẽ thực hiện như sau: tỏi băm nhỏ nhuyễn, hòa lẫn cùng với bột canh, nước mắm, hạt mắc khén. Hỗn hợp này sẽ đem tẩm ướp trong vòng 30 phút cùng với thịt trâu. Sau đó, người nấu sẽ bắc chảo lên trên bếp, cho một lượng dầu ăn vừa đủ vào rồi xào thịt trên bếp thật đều tay với mức lửa vừa phải để thịt trâu không bị quá dai.
Tới khi thịt trâu bắt đầu săn lại, người nấu sẽ đổ nước vào nồi để đợi đun sôi. Mức nước có thể tùy thuộc vào sở thích ăn khô ăn hay ăn nhiều nước của mỗi gia đình. Gia vị tiếp tục được người nấu điều chỉnh sao cho vừa vặn với khẩu vị là được.
Tới lúc này, lá lồm sẽ được vò nát hoặc thái nhỏ và bỏ vào trong nồi để hầm cùng khi thịt trâu đã mềm nhừ. Nước dùng cũng bắt đầu sệt lại hơn và món ăn bắt đầu tỏa hương thơm hấp dẫn, đặc trưng, hòa lẫn giữa lá lồm và các loại gia vị đi kèm khác.
Món thịt trâu lá lồm ngon nhất là khi được thưởng thức lúc còn nóng hổi. Món ăn này hoàn toàn có thể ăn chung cùng với bún, cơm, bánh mì hoặc nhâm nhi giống như một món ăn nhậu. Không chỉ có vậy, thịt trâu lá lồm còn được người Mường ở Hòa Bình bày biện trên mâm cỗ lá trong những dịp lễ Tết hay đón khách quý nữa đấy.
Thử tưởng tượng xem, bạn vừa được thưởng thức một món ăn ngon, lại vừa được ngắm nhìn khung cảnh núi rừng, thiên nhiên thì còn gì tuyệt vời bằng phải không nhỉ? Nếu như có cơ hội được đặt chân tới Tây Bắc nói chung hay mảnh đất Hòa Bình nói riêng, nhất định bạn phải thử thưởng thức món ăn này ít nhất một lần để chuyến đi của mình được trọn vẹn hơn nhé!
Bình luận