Theo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 4/4, Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/3 đã bắt giữ đối tượng L.V.N khi đang sử dụng chứng minh thư giả tại ngân hàng để làm thẻ ATM.
Trước đó, vào ngày 11/3, L.V.N đã đến chi nhánh ngân hàng ở khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và dùng chứng minh thư có tên L.Q.T để yêu cầu nhân viên ngân hàng khóa tài khoản mang tên anh T.
Sau đó, N. đã làm thủ tục mở tài khoản mới và chuyển tiền từ tài khoản cũ sang. Phía anh L.Q.T sau đó đã khiếu nại với ngân hàng vì thực tế bản thân anh không thực hiện giao dịch này nhưng vẫn bị trừ tiền. Nghi vấn có dấu hiệu bị lừa đảo, anh T. đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng. Đến khi L.V.N một lần nữa sử dụng chứng minh thư giả có tên khác là V.H.L để thực hiện giao dịch tại ngân hàng thì bị bắt.
Tại cơ quan chức năng, N. khai được thuê để sử dụng chứng minh thư giả mở thẻ ATM, thu mua lại thẻ và sim cũ để chiếm đoạt tài sản, những đối tượng liên quan ngay sau đó cũng đã bị triệu tập. Tiến hành khám xét nơi ở của nhóm người này, công an đã tiến hành thu giữ được 495 chứng minh thư, 44 giấy phép lái xe và 85 thẻ ngân hàng các loại.
Việc L.V.N có thể thực hiện trót lọt hành vi của mình một cách dễ dàng đã khiến nhiều người vô cùng hoang mang về tính bảo mật của ngân hàng. Không ít người thắc mắc rằn chỉ dùng chứng minh thư nhân dân là có thể điều chuyển tiền từ tài khoản dễ dàng như thế sao?
Trên thực tế, để có thể rút tiền từ tài khoản ngân hàng buộc phải cung cấp chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước của chủ tài khoản. Theo đúng quy trình, các nhân viên giao dịch cần đối chiếu hình ảnh thực tế của khách hàng với ảnh trên chứng minh thư, kiểm tra chữ ký so với chữ ký gốc trên hồ sơ đăng ký ban đầu. Chỉ khi thỏa mãn được các yêu cầu này thì mới có thể rút tiền.
Nói về trường hợp này, chia sẻ với Tuổi Trẻ, giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu kẻ lừa đảo chưa nhìn được chữ ký gốc thì khó mà làm giả được.
Việc để xảy ra tình trạng chỉ cần dùng chứng minh thư giả là đã thay đổi được chữ kí, khóa tài khoản rồi tiến hành chuyển tiền có thể là do sơ suất của nhân viên giao dịch. Bởi lẽ trong một số trường hợp, có giao dịch viên sơ ý đến mức sẽ đưa chữ kí gốc để khách hàng nhìn rồi kí lại sau nhiều lần kí không đúng. Lợi dụng điểm yếu này, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Sau sự việc này, nhiều ngân hàng cũng đã phát ra cảnh báo trên toàn hệ thống, yêu cầu các nhân viên phải đề cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra khi nghi ngờ có người sử dụng chứng minh thư giả.
Bình luận