Trước Tết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương dẫn đến việc kinh doanh buôn bán của nhiều gia đình, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là tại các tỉnh tâm dịch và bị phong tỏa nhiều ngày như Hải Dương thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Gia đình bà Phạm Thị Mây có nghề nuôi lợn và nuôi gà thịt, gà trứng đã 10 năm tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chia sẻ: "Chưa có năm nào khó khăn như năm nay, nhà tôi nuôi gần 5.000 con gà giống Ai Cập ngày nào cũng đẻ trứng nhưng chẳng có nơi nào mua".
Cẩm Giàng là một trong những địa phương phải "cách ly toàn xã hội" trong đợt dịch vừa qua, dẫn đến lợn, gà và trứng gà nhà bà Mây chỉ biết nằm "đắp chiếu" trong trang trại chẳng mang đi được đâu. Gặp thời tiết xấu là dễ bị ung, hỏng rất uổng phí. Chưa kể không đem đi bán thì không có nguồn thu. Mỗi ngày đàn gà nhà bà ăn hết 700 kg thức ăn, trứng nằm nhà ngày nào là lỗ dài ngày đó.
Đến khi được dỡ lệnh phong tỏa, số trứng cũ tồn trong nhà bà Mây phải bán tống bán tháo với giá rẻ như cho để nhiều nơi sử dụng làm phân bón. Số trứng gà mới đẻ thì được các đoàn thể đứng ra mua “giải cứu” với giá 15-16.000 đồng/chục quả.
Thế nhưng, các đoàn giải cứu chỉ được một thời gian ngắn rồi hết, lúc này giá trứng tụt nhanh chóng chỉ còn 1.400 đồng/quả mà cánh thương lái cũng chẳng muốn mua vì thị trường không tiêu thụ được. Nhu cầu của người dân nhỏ hơn nhiều so với số lượng trứng tồn và trứng mới tại các trang trại.
“Trứng gà trắng (gà ta) giờ giá còn rẻ hơn cả gà đỏ (gà công nghiệp) thì coi như là làm không công bởi với gà nuôi lấy trứng thì tiền nhân công, tiền thức ăn và chuồng trại tốn kém hơn nhiều, chưa kể tiền lãi vay đầu tư từ ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng”, bà Mây ngán ngẩm chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với bà Mây là gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh, trú tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Chị Hạnh cho biết trang trại nhà mình nuôi hơn 1 vạn con gà trứng ngày nào cũng đẻ nhưng giá trứng lại xuống thấp chưa từng có, càng nuôi càng lỗ.
Cụ thể là chi phí tiền ăn, tiền nhân công chăm sóc cho đàn gà trung bình hết mỗi ngày 20 triệu. Nhưng giá trứng chỉ còn 1.400/quả. Bán 1 vạn quả được có 14 triệu, chưa đủ tiền chi phí hàng ngày. Để vớt vát chút tiền thức ăn cho gà, 2 vợ chồng chị quyết định mang trứng lên Hà Nội để bán.
Hàng ngày, hai vợ chồng chị Hạnh lại dậy từ sớm tinh mơ để chở xe trứng đến đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để bày ra bán với giá 2.000 đồng/quả mong gỡ gạc lại được ngần nào hay ngần ấy.
Ngồi sắp lại các khay trứng trên vỉa hè, chị Hạnh thở dài: “Đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó đi vay ngân hàng 1 nửa, nhà tôi mất 2 năm đầu không được thu về 1 đồng nào. Năm thứ 3, thứ 4 tưởng ổn định thì lại gặp dịch bệnh, coi như là chịu lỗ hàng ngày, cứ thế này kéo dài thì cũng không biết cầm cự được bao lâu".
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận, phong trào giải cứu trứng gà, gà thịt cho nông dân vùng dịch cũng đã triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, do số lượng gà và trứng tồn đọng nhiều, hàng ngày lại sinh sản mới liên tục, đẩy giá xuống thấp kỷ lục nên số lượng giải cứu như "muối bỏ bể". Người làm chăn nuôi vẫn phải đối mặt với cảnh chịu thua lỗ dài hạn và như "ngồi trên đống lửa" mỗi ngày.
Bình luận