Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đặt mục tiêu phát triển Chính phủ số, hướng tới để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia hoạt động của cơ quan Nhà nước một cách phù hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ số suốt đời, khi cần, thuận tiện, trực tiếp hoặc online, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Đáng chú ý, tại Quyết định này, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề cơ bản như mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo mã QR, tiến tới đều có điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập internet cáp quang băng rộng.
Bên cạnh đó, người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trạm y tế xã hoạt động trên môi trường số. Bệnh viện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện công lập triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Giá thuốc, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh... được công khai.
Học sinh, sinh viên thì có hồ sơ số về học tập cá nhân. Cơ sở đào tạo quản lý dạy và học trên môi trường số; nộp học phí không dùng tiền mặt; dùng học liệu số. Những người nông dân cũng có thể truy cập, khai thác hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc; giảm phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng.
Người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm và khóa học kỹ năng trực tuyến thông qua kết nối internet. Các tuyến đường bộ cũng sẽ có hệ thống quản lý, điều hành thông minh. Triển khai thu phí điện tử trên toàn quốc, các làn thu phí bằng tiền mặt bị xóa bỏ. Việt Nam hiện đang phấn đấu là nhóm ba nước có quy trình xuất nhập cảnh dễ dàng, nhanh chóng nhất Đông Nam Á. Các di sản cũng sẽ được số hóa.
Cũng theo quyết định, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Để thực hiện tất cả những mục tiêu trên, chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/6/2021.
Bình luận