Vụ diễn viên Về Nhà Đi Con lộ clip: Khi nào công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại dân?

Kelly Tran Đăng lúc: Chủ nhật, 30/05/2021 14:06 (GMT +7)
Sau vụ nữ diễn viên Về Nhà Đi Con bị lộ clip, nhiều người thắc mắc khi nào công an phường có quyền thu giữ điện thoại người dân?

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc nữ diễn viên Anh Thư trong Về Nhà Đi Con bị lộ clip "nóng" cùng bạn trai. Chia sẻ với báo chí sau sự cố, cô gái trẻ cho biết 2 ngày trước khi đoạn video xuất hiện trên mạng, cô cùng nhóm bạn tụ tập tại nhà, nhưng sau đó bị công an mời về trụ sở rồi giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu để phục vụ công tác điều tra.

Hiện cơ quan chức năng đang xác minh thông tin trên và điều tra nguồn phát tán đoạn video. Đáng chú ý, cùng từ đây nhiều người đã đặt câu hỏi về việc khi nào công an được thu giữ, kiểm tra dữ liệu điện thoại của người dân?

Vụ diễn viên Về Nhà Đi Con lộ clip: Khi nào công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại dân? - Ảnh 1

Liên quan đến vụ việc trên, theo các chuyên gia, pháp luật đã có quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục khi tạm giữ, khám xét đồ vật, điện thoại của cá nhân. Cụ thể, công an chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính.

Theo Tuổi Trẻ, luật sư Đỗ Trúc Lâm - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết đối với cơ quan công an phường, xã, theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì chỉ được tạm giữ điện thoại khi có căn cứ xác định đây là tang vật hoặc để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.

Bên cạnh đó, khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến.

Vị luật sư cũng cho biết thêm trưởng công an phường, xã có thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trường hợp cán bộ cấp dưới là người lập biên bản thì trong 24 giờ phải báo cáo với trưởng công an phường, xã để xem xét ra quyết định tạm giữ.

Vụ diễn viên Về Nhà Đi Con lộ clip: Khi nào công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại dân? - Ảnh 2

Như vậy, pháp luật đã có quy định chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải được tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật.

Đồng quan điểm trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng theo nguyên tắc, công an được quyền kiểm tra những thông tin có liên quan đến hành vi vi phạm, nhưng nếu tùy tiện sử dụng dữ liệu cá nhân để phát tán lên mạng thì rõ ràng đây là việc làm vi phạm pháp luật. Luật sư Tuấn cũng cho biết người tung video clip riêng tư của nữ diễn viên Anh Thư lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Bộ luật hình sự hiện hành.

Với hành vi trên, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Thậm chí người phát tán đoạn clip còn có thể bị xem xét, xử lý về tội làm nhục người khác với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp