Tình yêu là loại hình tình cảm phức tạp bậc nhất của con người. Theo nhà tâm lý học Lý Nhiễm (Trung Quốc) thì hôn nhân là tiếp nối của tình yêu, và là một bước chuyển nhiều "rủi ro" trong hành trình gắn bó của các cặp đôi. Hôn nhân thời hiện đại có thể được chia làm 3 loại: Hôn nhân dằn vặt, hôn nhân đối tác và hôn nhân sống sót.
1.Hôn nhân dằn vặt
Thông thường sẽ xuất hiện trong một gia đình có một trong hai người chấp nhận "hi sinh" thế nhưng cuối cùng, sự hi sinh những tưởng là vì hạnh phúc đấy lại biến thành nỗi bất hạnh kéo dài.
Người phụ nữ chiếm đa số vai "nhường" trong những cuộc hôn nhân kiểu này. Tiêu biểu là khi quyết định kết hôn, họ từ bỏ sự nghiệp, từ bỏ hoài bão và tham vọng cá nhân để lui về "làm tròn bổn phận" người vợ, đẻ liên tiếp vài người con và cuối cùng, cuộc sống sẽ gói gọn trong việc nhà, con cái và chồng gần như là người khác giới duy nhất họ tiếp xúc.
Trong cuộc hôn nhân kiểu này, tất cả sự lãng mạn và kỳ vọng bị bào mòn theo năm tháng, cuối cùng cả hai vẫn sẽ ở bên nhau nhưng giữa họ chỉ còn những oán trách, giận dỗi và buộc tội lẫn nhau. Chưa chắc người chồng đã bội bạc, ngoại tình hay thiếu trách nhiệm, nhưng cũng chẳng còn mấy tương tác yêu thương. Sẵn sàng dằn dỗi nhau vì những điều nhỏ nhặt để cuối cùng, chỉ còn lại sự khó chịu và cảm giác muốn trốn chạy. Đó là kiểu hôn nhân dằn vặt, chỉ nhìn thấy khuyết điểm của nhau.
2. Hôn nhân đối tác
Một chuyên gia từng đưa ra nhận xét như sau về kiểu hôn nhân này: "Họ là vợ chồng vào ban ngày, là bạn cùng phòng vào ban đêm. Trước mặt hàng xóm là vợ chồng tốt, nhưng ban đêm lại là hàng xóm tốt".
Sau khi kết hôn, hình thái hôn này xuất hiện như theo năm tháng, người này không còn hứng thú muốn nghe những giãi bày, tâm tình của bạn đời nữa. Họ mất đi sự kiên nhận, nhanh chóng gạt bỏ vấn đề và cũng không mặn mà tìm ra giải pháp để giải quyết nó.
Lý do phổ biến cho tình trạng này là bởi những vấn đề cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền và những trách nhiệm đè nặng lên đôi vai cả hai, khiến tình cảm lứa đôi nguội lạnh. Dù vẫn chung một mái nhà, cùng ăn, cùng ở nhưng cảm xúc của sự nồng nhiệt yêu đương, hay thậm chí là sự hấp dẫn giới của vợ chồng như đã "chết".
Họ có thể ăn riêng, ngủ riêng cũng chẳng vấn đề, rất ít khi bộc lộ cảm xúc cho đối phương thấu hiểu. Ai làm việc nấy, miễn là những vấn đề căn bản của cuộc sống, của con cái được duy trì. Cuộc hôn nhân này không có ai ngoại tình, chẳng có lời cãi vã mệt mỏi, nhưng dần dần hai vợ chồng trở thành hai kẻ xa lạ, như mặt đất và bầu trời không còn điểm tiếp nối đôi bên.
3. Hôn nhân sống sót
"Hôn nhân không phải là điều tuyệt vời nhất, hôn nhân có tình yêu mới là tuyệt vời nhất". Thế nhưng làm sao để có tình yêu hay duy trì tình yêu trong hôn nhân, người ta lại không nói.
Theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Jim Rogers thì: "Tình yêu là sự thấu hiểu và chấp nhận sâu sắc". Không hề dễ dàng, thậm chí là rất khó khăn nhưng hầu hết những người hạnh phúc trong hôn nhân không phải vì họ gặp được nửa kia hoàn mỹ, mà bởi vì họ học được cách tha thứ và bao dung với những khiếm khuyết của người kia, nhìn nhận ra được những điểm đáng quý và trân trọng những giá trị mà vợ, chồng của họ mang lại cho gia đình.
Để có một mối quan hệ vợ chồng có "thành tựu", cả hai phải rèn luyện khả năng chung sống với người khác, tức là phải hiểu rằng, khi một người sau vài ba mươi năm mới bước vào cuộc đời của mình, họ phải có sự khác biệt ít nhiều. Học lấy cách tồn tại với những khác biệt đấy và duy trì ngọn lửa gia đình. Loại hôn nhân này được gọi là hôn nhân sống sót.
Bình luận