Tháng 3 là thời điểm giao mùa của Hà Nội cũng là lúc Thủ đô đang rực rỡ với rất nhiều sắc hoa. Hoa tháng 3 không nhẹ nhàng, kín đáo như chính thành phố ngàn năm tuổi. Những sắc hoa tháng 3 rải rác khắp các đường phố thế nên nếu dành ra một buổi chiều từ từ đi ngắm nghía phố phường, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sắc trắng của hoa sưa, màu đỏ rực rỡ của hoa gạo, màu tím hoa ban hay mùi thơm phảng phất của hoa bưởi.
Là một loài hoa dễ bị nhầm với hoa sữa, hoa sưa thường nở trắng trời Thủ đô vào tháng 3 hàng năm. Nếu như hoa sữa nở vào mùa đông và có mùi khá đặc trưng thì hoa sưa không có mùi, nở thành từng chùm và có màu trắng tinh khôi. Sẽ không quá lời nếu nói hoa sưa trắng là một trong những “đặc sản tháng 3” của Hà Nội.
Khi đến Thủ đô những ngày tháng 3, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những bông hoa sưa nở trắng một góc phố. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, những chùm hoa này sẽ đung đưa trong gió, tạo ra khung cảnh lãng mạn và bình yên lay động lòng người.
Nếu muốn check-in cùng hoa sưa, bạn có thể ghé qua một số con đường như Phan Chu Trinh, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám hoặc Thanh Niên, Giảng Võ…
Hoa gạo còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hoa pơ lang, hoa mộc miên… Loài hoa này có xuất xứ từ Ấn Độ và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Những cây hoa gạo thường có thân thẳng đứng và tán rộng.
Nếu như vào mùa đông, cây gạo dần trút lá, chỉ trơ ra những cành cây khẳng khiu thì đến tháng 3 lại nở rộ nhữung bông hoa đỏ rực. Hoa gạo có cánh đơn, mỗi bông hoa được tạo ra từ 5 cánh khá dày. Nhờ màu sắc rực rỡ của mình mà hoa gạo đã giúp xua tan được không khí ẩm đạm cuối xuân của phố phường Hà Nội.
Bên cạnh những con phố như ngã ba Giải Phóng – Phương Mai, Trần Khánh Dư… thì bạn còn có thể ngắm nhìn những cây hoa gạo thắp đỏ trời Hà Nội ở chùa Thầy hoặc chùa Hương những ngày này.
Khi Hà Nội bước vào những ngày tháng 3 cũng là lúc bạn bắt gặp những xe hàng rong bán từng chùm hoa bưởi trắng tinh khôi với hương thơm dìu dịu. Mặc dù không rực rỡ được như nhiều loài hoa khác, thế nhưng từng chùm hoa bưởi với sắc trắng giản đơn lại khiến nhiều người phải xao xuyến. Hoa bưởi nếu được cắm nước và tưới đầy đủ sẽ để được khoảng một tuần cho đến mười ngày, còn nếu mua hoa rời, hoa cũng để được khoảng 4, 5 ngày mà vẫn đẹp và thơm.
Không chỉ là một loài hoa đặc trưng của Hà Nội khi trời chuẩn bị giao mùa, hoa bưởi còn được nhiều người yêu thích vì có thể mang đi lễ chùa, tẩm ướp hoặc nấu ăn. Nếu mang hoa bưởi đi ướp đường rồi đem nấu cùng hạt sen, bạn sẽ có món chè hạt sen vừa thơm vừa mát. Bên cạnh đó, hoa bưởi cũng được dùng để ướp hoa quả, pha trà hay làm tinh dầu…
Đến hẹn lại lên, tháng 3 chính là thời điểm để người người nhà nhà check-in cùng hoa ban tím ở Hà Nội. Dù là loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc, thế nhưng hoa ban lại thích ứng khá tốt với thời tiết Thủ đô. Khi trời vào đông, những cây ban bắt đầu rụng lá để dồn nhựa vào nuôi nụ hoa, thế nên khi mùa xuân ấp ám đến, hoa ban nở rộ và nổi bật trên cành thưa lá.
Hoa ban có 5 cánh với nhiều màu sắc như trắng sọc hồng, tím hoặc hồng, trong đó hoa ban ở Hà Nội thường có sắc tím hoặc phớt tím. Hoa ban không có mùi nhưng vị lại khá ngọt, vì thế thường được người dân tộc Thái sử dụng làm món nộm hoa ban khá độc đáo và lạ miệng.
Hoàng Diệu, Bắc Sơn… là những con phố được trồng nhiều hoa ban ở Hà Nội. Bạn có thể ghé thăm những con đường này nếu muốn chụp những bức ảnh cùng loài hoa này nhé.
Gần đây, một khu đô thị mới còn trồng cả một hàng cây phong linh góp thêm cho tháng 3 Hà Nội một sắc vàng trẻ trung. Theo đó con đường hoa phong linh này dài gần 400 mét ở khu đô thị ParkCity, Hà Đông. Với quy hoạch hai hàng cây phong linh vàng và một dãy hoa gạo đỏ ở giữa, đây đang là bối cảnh nên thơ được nhiều người săn đón, ghé đến chụp ảnh.
>>> Xem thêm Bật mí con đường hoa phong linh vàng rực đang khiến hội chị em mê tít ngay ở Hà Nội
Bình luận