Bánh gai là một món đặc sản có nguồn gốc từ khu vực đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh ngọt lâu đời này ở nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Hải Dương, Nam Định… Bên cạnh nguyên liệu chính là bột nếp, người ta sẽ sử dụng lá gai để “nhuộm màu” đen cho chiếc bánh.
Lá gai sau khi mua về sẽ được mang đi rửa rồi giã lấy nước và mang trộn cùng bột gạo. Tuỳ vào sở thích và khẩu vị, người ta sẽ dùng các nguyên liệu như mỡ lợn thái nhỏ, tinh dầu chuối, dừa thái nhỏ, mứt bí, đỗ xanh, vừng rang, hạt sen… Sau đó, người ta sẽ gọi vỏ bánh và nhân bằng lá chuối khô rồi hấp chín.
Thạch đen là một món đặc sản được nhiều người yêu thích, đặc biệt là mỗi dịp hè nắng nóng. Khi nhắc đến món ăn này, người ta sẽ nghĩ ngay đến thạch đen Thạch An, Cao Bằng. Món đặc sản này được làm từ cây thạch đen (hay có tên khác là sương sáo), nhờ thế mà món ăn này vừa mát, ngọt lại có tính giải nhiệt rất hiệu quả.
Sau khi cây thạch đen bắt đầu ra nụ, họ sẽ cắt thân và lá mang về phơi nắng rồi mang đi nấu nhừ. Tiếp đó, người ta sẽ đổ nước vào các túi sạch để vắt và lọc lấy nước rồi cho bột năng vào đun đến khi thu được hỗn hợp quánh lại. Bạn có thể ăn thạch đen Cao bằng cùng chè, sữa chua hoặc sữa đậu nành, tào phớ…
Bánh khô mè Cẩm Lệ còn được gọi bằng cái tên khác là bánh bảy lửa vì trước đây, người ta cần sử dụng đến 7 lần lửa để chế biến món này. Nguyên liệu làm khô mè đen khá đơn giản, bạn có thể dùng những nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, đường, mè, gừng, nếp… Thông thường, người chế biên sẽ mang bột gạo trộn đều với bột nếp rồi cho vào khuôn, sau đó hấp cách thuỷ, nướng khô rồi nhúng bánh vào nước thắng đường và mè đen.
Khô mè đen có thể được làm theo dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được phần ruột giòn xốp kết hợp với mè rang bùi béo vừa đủ độ. Bẻ chiếc bánh làm đôi, bạn cũng thấy được những sợi đường được kéo dài như tơ mảnh đẹp mắt. Món bánh này cũng được nhiều người mua về làm quà khi đến Đà Nẵng du lịch.
Chí mà phù là món đặc sản có nguồn gốc từ Trung Quốc và có nghĩa là chè vừng đen, chè mè đen trong tiếng Quảng Đông. Để chế biến món ăn này, người ta sẽ mang vừng đen đi xay nhuyễn rồi nấu chung với đường. Mặc dù chỉ sử dụng những nguyên liệu đơn giản nhưng nhờ được chế biến khéo mà chí mà phù tạo thành hỗn hợp sánh, mịn có màu đen óng.
Thoạt nhìn, đây là một món ăn có màu sắc không mấy hấp dẫn, thế nhưng khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận thấy đủ vị ngọt, bùi, thơm, béo và rất bổ dưỡng. Không chỉ là một món ngọt lâu đời, chí mà phù còn nhanh chóng trở thành một trong những đặc sản được bán nhiều ở các hàng rong dọc phố cổ.
Bình luận