Khi nhắc đến món cá nấu canh chua miền Tây, mọi người thường nghĩ đến món canh chua cá lóc. Thế nhưng khi đến Vĩnh Long, mọi người sẽ có dịp thưởng thức món cá út nấu canh chua. Là một loại cá sông có kích cỡ khá nhỏ, thường con dài nhất cũng chỉ khoảng 15cm. Món canh cá út nấu chua ngon nhất khi được nấu cùng rau muống, cà chua và một chút rau thơm. Thông thường, người ta thường chuẩn bị thêm một chén muối ớt xanh để chấm cá. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được thịt cá út mềm, béo kết hợp với nước canh chua dịu và muối ớt xanh cay nồng.
Khoai lang mắm sống cuốn lá cách là một món ăn bình dân có cách chế biến khá công phu, tỉ mỉ. Đầu tiên, để chế biến món này, người ta sẽ chuẩn bị loại mắm ngon và thường là mắm cá sặc. Mắm tươi sau khi mua về sẽ được xé nhỏ, bỏ xương rồi trộn với chanh, ớt, tỏi và gừng non.
Còn với khoai lang, sau khi rửa sạch sẽ được luộc hoặc hấp chín rồi cắt thành nhữung miếng nhỏ. Món ăn này thường được ăn kèm thịt ba chỉ, chuối chát, dừa nạo, dưa leo và các loại rau tươi sống. Đặc biệt, để món ăn mang hương vị đặc trưng riêng, người Vĩnh Long thường lấy lá cách, một loại lá phổ biến ở miền Tây để cuốn khoai lang và chấm mắm sống.
Vào mùa mưa, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh xèo hến khi đến cù lao Dài, Vĩnh Long. Bánh xèo ở đây có cách chế biến khá độc đáo và khác hoàn toàn món bánh xèo thường thấy. Khi tráng bánh xèo, người ta không dùng dầu để chiên bánh mà chỉ lấy một miếng mỡ heo quơ ngang chảo một chút khi thấy chảo quá khô. Nguyên liệu để làm bánh xèo hến ở đây cũng khá đặc biệt, ngoài bột bánh xèo và hến thì người ta sẽ cho thêm vào măng mạnh tông (loại măng phổ biến ở miền Tây), tôm, thịt. Bánh xèo hến cù lao Dài được ăn cùng nhiều loại rau như lá cách, cải bẹ xanh, cát lồi, diếp cá… và chắm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
Làng nghề bánh tráng cù lao Mây là một trong những làng nghề lâu đời tại Trà Ôn, Vĩnh Long. Ban đầu, người ta chỉ làm hai loại là bánh tráng mặn và bánh tráng nhúng. Tuy nhiên để phù hợp sở thích và khẩu vị của nhiều khách hàng hơn, họ đã chế biến thêm bánh tráng ngọt, bánh tráng thanh long, bánh tráng nướng, bánh tráng sữa, bánh tráng ớt… Bánh tráng ở đây được làm từ 100% bột gạo và hoàn toàn bằng tay, vì thế bánh mềm dẻo, có vị mặn vừa phải và thường được gói cùng bún, tôm thịt, rau sống rồi chấm cùng tương xay, nước mắm me.
Không phải là một món ăn xa lạ, thế nhưng bánh ú Vũng Liêm, Vĩnh Long đã phát triển từ một món bánh quen thuộc trong ngày giỗ ông bà thành một đặc sản được nhiều người mua về làm quà khi đến đây chơi. Để làm được những chiếc bánh ú ngon, người ta thường phải chọn loại nếp ngon, thơm và dẻo. Sau đó, người làm bánh sẽ thêm vào các nguyên liệu khác như thịt heo, trứng, hành tỏi, tiêu, bột nêm, trứng vịt muối, tôm khô… Bánh gói bằng lá chuối Xiêm và nếp đã xào cùng nước cốt dừa nên khi ăn rất đậm đà và thơm, béo.
Bình luận