Không chỉ là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của người Chăm ở An Giang, cơm nị - cà púa còn xuất hiện trong các buổi cúng lễ ở thánh đường hoặc các bữa tiệc truyền thống nơi đây. Không giống như loại cơm thông thường, cơm nị của người Chăm được chế biến khá đặc biệt. Sau khi vo sạch gạo, người ta sẽ mang đi xào cùng đinh hương, bơ để hạt gạo có độ săn và thơm đặc trưng khi chín. Tiếp đó, họ còn trộn dầu điều để hạt gạo hấp dẫn hơn. Một trong những điểm đặc biệt của món cơm nọ là nấu bằng nước pha đường, muối và cà-ri. Khi cơm chín, họ sẽ rưới thêm nước dừa hoặc sữa để hạt cơm mềm dẻo, béo ngậy.
Ăn kèm cơm nị chính là phần cà púa được chế biến từ thịt bò. Để làm bớt mùi gây đặc trưng từ thịt bò, người ta sẽ thêm gừng, rượu và các loại gia vị vào ướp rồi xào thịt bò cùng cà ri, ớt, hành… cho thịt săn lại. Tiếp đó, phần thịt này sẽ được ninh mềm với nước cốt dừa rồi trộn cùng đậu phộng rang, hành củ, dừa nạo khi ăn.
Mặc dù có tên giống nhau nhưng bánh bò nướng (Ha Cô) có cách chế biến cũng như hương vị khác hẳn món bánh bò thốt nốt thường làm của người Kinh hay người Khmer. Sau khi chuẩn bị gạo, người ta sẽ mang nó đi nghiền thành bột mịn rồi ủ cùng đường thốt nốt. Điểm đặc biệt của món bánh này là sử dụng những chiếc chảo nhỏ có nắp vung làm bằng đất để nướng chín.
Đầu tiên, người làm bánh sẽ làm nóng chảo rồi mới từ từ thêm bột đã ủ vào. Sau khi tráng đều bánh trên mặt chảo, họ sẽ đậy nắp vung lại và nướng đến khi bánh chín đều. Thông thường, những chiếc nắp vung đất sẽ được hơ nóng trước bằng bếp củi để bánh bò thốt nốt nướng chín đều hai mặt cũng như có độ phồng đẹp mắt. Món bánh bò thốt nốt nướng (Ha Cô) thường được người Chăm tại làng chăm Châu Phong, Tân Châu thưởng thức trong các bữa ăn hàng ngày hoặc làm vào dịp lễ tết, cưới hỏi.
Là một món đặc sản nổi tiếng của người Chăm ở An Giang, Tung lò mò có nguồn gốc từ “tung laomaow”. Trong tiếng Chăm, “tung” có nghĩa là ruột còn “laomaow” là “con bò”, vì vậy có thể hiểu rằng món ăn này chính là lạp xưởng bò. Để chế biến món ăn này, người ta sẽ lựa chọn thịt từ những con bò được chăn thả tự nhiên. Sau đó, họ tận dụng tất cả các phần của con bò như ruột bò, mỡ bò, thịt vụn… cho đến phần thịt nạc, thịt bắp, thịt đùi… Để khử mùi hôi từ thịt bò, người đầu bếp sẽ dùng gừng, rượu và thêm vào các gia vị như tiêu sọ, hoa hồi…
Khi đã sơ chế sạch sẽ các nguyên liệu, người Chăm sẽ nhồi chúng vào phần ruột bò đã được làm sạch và thắt thành những khúc ngắn khoảng 3 đốt ngón tay. Sau đó, họ mang tung lò mò ra phơi nắng khoảng 3 ngày là có thể chế biến và thưởng thức. Tung lò mò cũng có cách chế biến khá đa dạng, bạn có thể mang tung lò mò đi chiên, nướng hoặc hấp…
Bình luận