Khi rất nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ nhằm phòng chống dịch COVID-19 thì có lẽ phòng bếp của mỗi gia đình lại trở thành khu vực "bận rộn" hơn cả. Thay vì ăn uống ngoài hàng quán như trước, giờ đây bữa ăn gia đình mới là điều quan trọng và ấm áp nhất. Vì vậy, căn bếp cần được giữ vệ sinh sạch sẽ để tạo nguồn cảm hứng nấu nướng cũng như đảm bảo sức khỏe cho các thành viên.
Hãy kiểm tra các món đồ trong phòng bếp của bạn xem chúng có nằm trong danh sách những yếu tố khiến không gian này trở nên kém tinh tế, thậm chí ẩn chứa mầm mống gây hại mà chúng tôi liệt kê dưới đây không nhé!
1. Thớt cũ và bẩn
Bạn có biết, những vết trầy xước trên thớt là nơi trú ngụ cũng như phát triển của các vi khuẩn như E. coli và Salmonella,... Đó là chưa kể đến một vài gia đình chỉ sử dụng 1 chiếc thớt cho đủ loại thực phẩm sống và chín nên càng tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Bạn cần vệ sinh thớt đúng cách và thường xuyên. Nếu kiểm tra thấy thớt đã quá cũ, bề mặt trầy xước hao mòn quá nhiều thì đừng tiếc rẻ mà hãy nhanh chóng thay mới.
2. Khăn lau sử dụng chung
Tương tự như thớt, khăn lau cũng cần được sắm nhiều chiếc để sử dụng cho các mục đích khác nhau như lau mặt bàn, mặt bếp, lau tay, lau bát đĩa,... Nếu bạn cứ "tiện tay" dùng chung thì sẽ sản sinh rất nhiều vi khuẩn do khăn dính nhiều bụi bẩn, dầu mỡ,... Một mẹo nhỏ là bạn hãy mua khăn nhiều màu để phân biệt, vài ngày lại giặt sạch phơi khô một lần. Ngoài ra bạn có thể chọn khăn giấy, cách này rất tiện lợi, không cần giặt nhưng sẽ tốn kém hơn.
3. Lọ/hộp đựng gia vị bằng nhựa
Không phải món đồ nào làm bằng nhựa thì cũng kém tinh tế, nhưng nếu những chiếc lọ hay hộp đựng gia vị làm bằng nhựa thì thực sự không phải là ưu tiên để chọn lựa. Bởi vì nhựa rất dễ trầy xước, dễ phai màu (nếu là hộp có màu sắc, hoa văn), hơn nữa bạn cần phải chọn loại nhựa an toàn để không ảnh hưởng đến chất lượng gia vị hay hạt khô được lưu trữ bên trong. Vì vậy, hãy thay hết các loại hộp nhựa trong bếp bằng hộp thủy tinh, vừa an toàn lại vừa sang chảnh.
4. Ấm đun siêu tốc đóng cặn
Ấm đun siêu tốc là cũng là một trong những thiết bị quen thuộc mà hầu như căn bếp gia đình nào cũng có. Loại ấm này rất tiện lợi, dễ sử dụng, chỉ cần vài phút là có ngay nước sôi để pha trà, cà phê, mì ăn liền,... Tuy nhiên, theo thời gian sử dụng, đáy ấm sẽ bị đóng cặn, tiềm ẩn nhiều vi khuẩn. Nếu đã áp dụng các phương pháp làm sạch mà khoáng chất đóng cặn trong ấm vẫn không hết, bạn nên thay mới và duy trì vệ sinh 1 tuần/lần để đảm bảo sức khỏe.
5. Thiết bị đã hư hỏng lâu ngày
Chúng ta thường có một thói quen là “không nỡ” vứt đi những món đồ hay thiết bị đã hư hỏng, với suy nghĩ “biết đâu sẽ sửa được”, “biết đâu có lúc lại cần dùng”,... Và cứ như thế, phòng bếp vô tình lại trở thành nhà kho cho những chiếc máy xay sinh tố, máy nướng bánh mì, máy ép trái cây,... đã hỏng và lâu ngày không dùng đến. Hãy bỏ chúng đi càng sớm càng tốt để không gian nấu nướng thông thoáng và nhường chỗ cho những món đồ hữu dụng hơn bạn nhé!
Bình luận