3 món bún đặc sắc của Tây Nguyên, thú vị nhất là món số 3
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 28/03/2023 11:44 (GMT +7)
Bên cạnh những món ăn như gà nướng, gỏi lá, phở khô… Tây Nguyên còn có nhiều món bún độc đáo có cách chế biến và hương vị độc đáo.
1. Bún nước, Kon Tum
Được biến tấu từ món bún tôm Bình Định, nguyên liệu làm bún nước Kon Tum thường có tôm tươi, bún gạo, trứng, giá đỗ và thịt bò băm. Đặc biệt, sợi bún của món ăn này thường được chế biến ngay tại chỗ nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Sau khi mang tôm tươi đi sơ chế và bóc sạch vỏ, người ta sẽ giã nhuyễn chúng rồi quét vào bát và lần lượt thêm các nguyên liệu khác rồi chan nước luộc bún vào.
Tuy không sử dụng nước hầm xương như nhiều món bún khác, thế nhưng chính vị ngang ngang của nước luộc bún đã khiến món ăn thêm đặc biệt. Bạn có thể ăn bún nước Kon Tum cùng các loại rau sống, một chút chanh tươi và muối ớt giã nhỏ. Món ăn này thường được bán vào buổi sáng và hết hàng rất sớm, vì thế nếu không nhanh chân, bạn sẽ không có cơ hội thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.
Địa chỉ bán bún nước ở Kon Tum
- Bún nước Nẩu Kon Tum – 67 Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Trãi, Kon Tum
- Bún nước Đoàn Kết – 12 Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Kon Tum
- Quán bún nước – 22 Nguyễn Công Trứ, Thống Nhất, Kon Tum
>>> xem thêm: Bún nước, phiên bản biến tấu từ bún tôm Bình Định muốn ăn phải dậy sớm ở Kon Tum
2. Bún đỏ, Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk
Bún đỏ là một món đường phố khá phổ biến của người dân Đắk Lắk. Sở dĩ món ăn này có cái tên như vậy là vì sợi bún ở đây có màu đỏ thay vì trắng như loại bún thông thường. Sợi bún đỏ cũng có kích thước khá to, khi ăn có vị giòn dai, hấp dẫn.
Ban đầu, bún cũng có màu trắng như bình thường, thế nhưng sau khi được nhúng trong một nồi nước dùng khoảng 5 đến 7 phút thì sợi bún được khoác thêm một lớp áo mới màu đỏ cam đẹp mắt. Thường thì người ta sẽ sử dụng dầu điều để “nhuộm màu” cho bún, cách này vừa đơn giản vừa an toàn.
Nước dùng của bún đỏ Đắk Lắk là sự kết hợp hài hoà giữa nước xương và nước cua ninh kỹ, nhờ thế mà vị sẽ thanh và ngon hơn. Đặc biệt, để làm bún đỏ, người đầu bếp thường trộn gạch cua, thịt ba xay, hành tím băm nhỏ, hạt tiêu… rồi viên thành những miếng nhỏ nấu cùng nước dùng. Ngoài ra, người ta cũng thêm vào bát bún đỏ Đắk Lắk trứng cút, tóp mỡ, giá đỗ hoặc rau cải ngọt.
Địa chỉ bán bún đỏ ở Đắk Lắk
- Bún đỏ quán Thu – góc Phan Đình Giót – Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Quán bún đỏ - 65 Trần Phú, Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Bún bỏ cô Thuý – 01 Phan Đình Giót, Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
>>> xem thêm: Bún đỏ, món bún độc đáo ai đến Buôn Ma Thuột cũng nên thử một lần
3. Bún cua thối – Gia Lai
Mặc dù là một món đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai, thế nhưng không phải ai cũng dám thử khi thấy món ăn này. Để chế biến được bún cua thối, người ta sẽ mang cua đi sơ chế, lấy phần thân giã nhuyễn để lọc lấy nước rồi mang nước cua đi ủ khoảng 1 ngày 1 đêm cho đến khi thấy lên men, chuyển sang màu đen và có mùi khá nồng.
Một bát bún cua thối Gia Lai thường chỉ có bún, tóp mỡ chiên vàng, đậu phộng rang, hành phi, một chút măng và nước dùng cua. Tuỳ vào khẩu vị và sở thích, bạn cũng có thể gọi thêm những món ăn kèm khác như trứng vịt được om trong nồi nước dùng, chả, nem chua, chả ram… Để bún cua thối Gia Lai thêm đậm đà và trọn vị hơn, thực khách cũng có thể thêm vào bát bún một chút mắm nêm, nước cốt chanh, ớt và rau sống. Tuy món ăn này khá nặng mùi và không phải ai cũng dám ăn, thế nhưng vị hăng của nước dùng kết hợp với vị mặn, cay, chua đặc trưng sẽ khiến không ít người “bị nghiện”.
Địa chỉ bán bún cua thối ở Gia Lai
- Bún cua thối cô Chi – 02 Phùng Hưng, thành phố Pleiku, Gia Lai
- Bún cua Gia Lai – 12/302 Nguyễn Tất Thành, thành phố Pleiku, Gia Lai
- Bún cua – Quyết Tiến, thành phố Pleiku, Gia Lai
>>> xem thêm: Bún cua thối, món đặc sản đầy thử thách của Pleiku