3 món đặc sản miền Tây mùa nước nổi: Ăn một lần là muốn quay lại để ăn lần 2
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 21/03/2023 11:28 (GMT +7)
Nếu có dịp đến miền Tây vào mùa nước nổi, bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn như lẩu cá linh bông điên điển, cá lóc nướng cuốn lá sen chấm mắm me…
1. Lẩu cá linh bông điên điển
Cá linh và bông điên điển đều là những “sản vật trời ban” cho người dân miền Tây vào mùa nước nổi, đặc biệt là các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp… Những con cá linh tuy không qúa to nhưng thịt lại mềm, ngọt và thơm. Sau khi được mua về và sơ chế sạch sẽ, người ta sẽ mang cá linh đi ướp với một chút gia vị đậm đà.
Đặc biệt, nước lẩu cá linh bông điên điển thường là nước hầm xương heo hoặc nước dừa. Sau đó, người chế biến sẽ thêm vào chút nước mắm ngon, đường và me dầm. Bên cạnh đó, để nước lẩu ngon, đậm đà và hấp dẫn hơn, họ sẽ thêm cả tóp mỡ, tỏi phi vào lá ngò gai vào nước dùng. Ngoài bông điên điển, người miền Tây còn cho thêm vào nồi lẩu của mình bông so đũa, bông súng và nhiều loại rau quen thuộc khác. Món này thường được ăn kèm bún và chấm với nước mắm ớt cay cay.
>>> xem thêm: Lẩu cá linh bông điên điển, đặc sản tiêu biểu của mùa nước nổi miền Tây
2. Cá lóc nướng cuốn lá sen chấm mắm me
Cá lóc là một nguyên liệu quen thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ. Với nguyên liệu này, người ta có thể chế biến nhiều món ăn nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là cá lóc nướng cuốn lá sen. Thông thường, người ta sẽ chọn những con cá lóc đồng còn tươi. Sau khi sơ chế bằng cách rửa sạch, bỏ mật cá thì người ta sẽ xát muối hạt lên và để nguyên vẩy.
Tiếp đó, họ dùng một que nhọn xiên cá rồi quấn chúng lại bằng một vài chiếc lá sen già (nhưng vẫn còn tươi và có màu xanh thẫm) rồi mang đi nướng chín để tăng hương vị thơm ngon. Sau khi nướng chín cá lóc, người ta sẽ phủi sạch lớp vảy bên ngoài để có thể từ từ thưởng thức phần thịt trắng, mềm bên trong. Khi ăn, họ sẽ dùng kèm thịt ba rọi thái lát mỏng, bún, tôm sú lột vỏ và chấm với nước mắm me. Lớp da cá giòn béo kết hợp với thịt cá thơm bùi và lá sen chát nhẹ, thơm thoang thoảng mùi sen sẽ là một món ăn khiến bạn không thể bỏ qua khi đến miền Tây mùa nước nổi.
3. Bông súng mắm kho
Mặc dù chỉ là một món ăn dân dã và quen thuộc vào mỗi mùa nước nổi, thế nhưng nếu đã có dịp thử qua, du khách đến Tây Nam Bộ đều yêu thích. Đầu tiên, người ta sẽ nhổ nguyên cọng súng rồi rửa sạch, tước vỏ ngoài và ngắt thành những cọng nhỏ dài khoảng hai gang tay. Đặc biệt, mắm kho ăn cùng phải là loại mắm cá sặc đồng đựng trong hũ sành, khi mở ra có màu đỏ thẫm và thơm mùi đặc trưng.
Đặc biệt, nấu mắm là một quá trình đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người chế biến. Thông thường, người ta sẽ cho mắm vào nồi rồi đổ xâm xấp nước hoặc mang nấu cùng nước dừa để nước thơm, đậm đà hơn. Sau khi lọc nước đầu để riêng, người ta sẽ cho nước nhì, nước hai vào nồi đun tiếp và thêm vào chút sả ớt, bột ngọt, muối… và đôi khi là cả thịt ba chỉ, tép. Khi ăn mắm kho, người ta sẽ ăn cùng bông súng và một vài loại rau ghém khác. Vị giòn giòn của bông súng kết hợp với thịt ba chỉ ngọt béo và mùi the the của sả ớt giúp món bông súng mắm kho càng hấp dẫn hơn.