5 loại lương thực chính của thế giới: Châu Á trọng cơm, Châu Âu cần bánh mì

Trong những loại lương thực chính của thế giới, nếu cơm là món ăn tiêu biểu của lúa gạo thì bánh mì là món không thể không nhắc đến của lúa mì.

Hashtag: Ẩm thực thế giới Văn hóa ẩm thực Tinh hoa ẩm thực

Cây lương thực là loại cây trồng mà sản phẩm của chúng dùng làm lương thực cho con người, cung cấp năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mặc dù có hơn 50.000 loại cây trồng khác nhau có thể ăn được nhưng chỉ có khoảng vài trăm loại xuất hiện trong chuỗi thức ăn của con người và 5 loại là nguồn lương thực chính cho cả thế giới. 

Theo một nghiên cứu vào năm 2003, 5 loại lương thực chính trên thế giới bao gồm: lúa nước, lúa mì, ngô, khoai tây và sắn.  Tuy nhiên, cụ thể từng loại lương thực này được sử dụng nhiều nhất ở đâu và sử dụng như thế nào thì hãy cùng 2 Đẹp tìm hiểu và giải đáp ngay sau đây. 

Cây lương thực chính - lúa nước

Lúa nước, hay còn được gọi là lúa gạo, được coi là một trong 5 loại cây lương thực chính của thế giới. Loài cây này cung cấp hơn 1/5 tổng lượng calo tiêu thụ của con người. Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi chúng trở thành loại lương thực được mọi người tiêu thụ nhiều nhất. Mặc dù lúa nước được tiêu thụ nhiều nhất ở châu Á nhưng ở một số nước Mỹ La-tinh và vùng Caribe cũng thường sử dụng loại lương thực này trong đời sống hàng ngày.

Lúa nước (lúa gạo) là một trong những loại lương thực chính.

Các chế phẩm chính từ lúa nước: cơm, xôi, miến gạo, cháo...

Ở châu Á, lúa nước là lương thực thường xuất hiện nhiều nhất trong mỗi bữa cơm gia đình. Sau khi được xay xát để tách bỏ vỏ trấu, người ta sẽ giữ lại gạo để chế biến. Từ gạo có thể chế biến thành nhiều thực phẩm khác nhau, điển hình nhất là cơm, cháo...

Lúa nước sau khi xay xát sẽ trở thành gạo, dùng để nấu cơm hoặc cháo.

Ngoài ra, thông qua một số phương pháp chế biến, người ta có thể biến chúng thành miến gạo, phở hoặc làm các loại bánh. Thậm chí, chúng cũng có thể được rang cho vàng rồi giã mịn để trở thành thính gạo và được sử dụng như một loại gia vị nhằm tăng thêm hương vị cho món ăn. 

Cây lương thực chính - lúa mì

Lúa miến, tiểu mạch... là tên gọi của loại cây lương thực lúa mì. Trước đây, chúng được xem là một nhóm các loại cỏ đã thuần dưỡng từ khu vực Levant (Tây Nam Á) nhưng sau đó đã được gieo trồng rộng khắp. Mặc dù lúa mì là thực phẩm thiết yếu ở Trung Đông và Bắc Phi, tuy nhiên, chúng lại được trồng phổ biến ở châu Á. Hiện nay, Trung Quốc vẫn chiếm hơn 1/6 sản lượng sản xuất lúa mì trên toàn thế giới. Xét về sản lượng, lúa mì chỉ đứng sau lúa nước và ngô. Đây cũng được coi là một loại lương thực quan trọng cho con người. 

Lúa mì là thực phẩm thiết yếu ở Trung Đông và Bắc Phi.

Các chế phẩm chính từ lúa mì: bánh mì, mì sợi, men sản xuất bia/ rượu... 

Tương tự như lúa nước, lúa mì được dùng để chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là lúa mì thường được dùng ở dạng bột mì, chứ không phải dạng nguyên hạt. Các chế phẩm chính từ lúa mì điển hình nhất là: bánh mì, mì sợi, bánh, kẹo, men sản xuất bia/ rượu... Tùy theo từng vùng miền mà lúa mì được chế biến thành nhiều thực phẩm trong ăn uống. Ví dụ như ở châu Âu là bánh mì; ở Ý là spaghetti, nui (pasta); ở Mỹ là hamburger.

Bánh mì là một loại lương thực thực phẩm thiết yếu.

Trong đó, bánh mì là sản phẩm phổ biến nhất nhì của lúa mì. Bánh mì được xem là lương thực, thực phẩm thiết yếu của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Ở nhiều nước châu Á, vị trí cũng như thói quen sử dụng bánh mì và các sản phẩm từ lúa mì tuy không bằng lúa gạo nhưng cũng ngày càng trở thành một loại lương thực quan trọng trong đời sống của người dân. Tại việt Nam, từ chiếc bánh mì baguette du nhập từ Pháp, người Việt đã sáng tạo những món bánh mì Việt Nam được ghi rõ ràng banh mi trong từ điển Oxford.

Cây lương thực chính - ngô

Ngô (bắp) là loại cây lương thực thuần canh. Chúng được trồng nhiều nhất ở Mỹ, sản lượng đạt 270 triệu tấn/ năm. Ở châu Phi và một số nước Mỹ La-tinh lại coi ngô là lương thực chính, thường sử dụng như một món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên ở Mỹ và một số nước, ngô chỉ là món ăn phụ hoặc dùng để chăn nuôi.

Ở Mỹ La-tinh và châu Phi, ngô được xem là loại lương thực chính.

Các chế phẩm chính từ ngô: bánh ngô, cháo ngô... 

Thực phẩm chế biến từ ngô khá đa dạng. Ở Việt Nam, tùy theo sở thích, bạn có thể chế biến chúng theo các công thức khác nhau. Đơn giản nhất là ngô luộc, ngô nướng mỡ hành hoặc làm bỏng ngô, bánh ngô như một món ăn vặt. Còn một số nước như Brazil lại nổi tiếng với món cháo ngô hay Mexico có món bánh Tortilla được làm từ ngô cũng rất ngon, hấp dẫn thực khách.

Ngô là nguyên liệu chính để tạo nên món ăn vặt nổi tiếng - bỏng ngô.

Cây lương thực chính - khoai tây

Khoai tây là loại cây trồng lấy củ, cây nông nghiệp ngắn ngày. Loại cây này có nguồn gốc từ Peru, sau đó du nhập vào châu Âu từ khoảng thập niên 1570 và dần trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Mặc dù Ấn Độ, Trung Quốc là 2 quốc gia chiếm sản lượng sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới, tuy nhiên, đây không phải thực phẩm chính của 2 nước này. Ngược lại, ở vùng Trung Âu và Đông Âu, người ta lại rất thường xuyên sử dụng chúng để làm thành các món ăn khác nhau. 

Khoai tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau.

Các chế phẩm chính từ khoai tây: khoai tây nghiền, khoai tây chiên, salad khoai tây... 

Mỗi quốc gia lại có từng cách chế biến khác nhau để thưởng thức khoai tây. Ở châu Á, khoai tây được dùng như một loại rau củ, thường dùng để nấu canh hoặc xào. Trong khi đó, ở châu Âu thì người ta thường dùng chúng để làm khoai tây chiên, nướng, nghiền hoặc salad. Xét về mặt dinh dưỡng, khoai tây thuộc nhóm tinh bột và chứa nhiều calories. Tuy nhiên, nếu thích thưởng thức những món ngon từ khoai tây, điển hình nhất là khoai tây chiên thì bạn có thể tham khảo 9 món khoai tây chiên hấp dẫn, "ăn một lại muốn ăn hai" trên thế giới.

Khoai tây chiên là món ăn đơn giản và dễ làm.

Cây lương thực chính - sắn

Sắn (khoai mì, củ mì) là loại cây lương thực ăn củ có thể sống lâu năm. Chúng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ La-tinh và đã được trồng phổ biến trên 100 nước. Hiện Thái Lan chiến 85% lượng xuất khẩu sắn trên toàn cầu, kế đến là Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, thành phẩm xuất khẩu thường là bột, tinh bột sắn, sắn lát và sắn viên chứ không xuất khẩu nguyên củ. 

Sắn thường được sử dụng để lấy tinh bột.

Các chế phẩm chính từ sắn: Các món bánh, đồ uống

Sắn là lương thực chính của nhiều bộ tộc ở Nam Mỹ. Sắn sẽ được chế biến để làm thành nguyên liệu các loại bánh giống bánh mì, sắn có thể làm thành bột dạng hạt hay tinh chế tạo nên tinh bột sắn rồi chế biến thành thức uống. Ở châu Á và Việt Nam, tinh bột từ sắn có thể dùng làm bánh bánh, bánh tráng, hạt chân trâu, bột nấu chè đa dạng.

Bột sắn dùng để pha nước hoặc nấu thành bột.

 

 

Bài liên quan

News feed