5 món ăn đặc sắc của Kon Tum, số 1 lọt top món ăn ngon nhất Việt Nam
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 28/03/2023 11:53 (GMT +7)
Khi đến thăm Kon Tum, bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn như gỏi lá, xôi măng hay cà đắng nấu thịt heo rừng…
1. Gỏi lá
Bằng sự kết hợp giữa hơn 30 loại lá đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên với tôm, thịt, cá, bánh tráng… người Kon Tum đã nghĩ ra món gỏi lá vô cùng đặc biệt. Khi lần đầu nhìn thấy món này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp khi bắt gặp những mẹt lá “khổng lồ”, xanh mướt mắt. Tuỳ từng mùa mà món gỏi lá sẽ có các nguyên liệu khác nhau. Nếu như mùa mưa, một mâm gỏi lá có từ 60 đến 70 loại lá khác nhau thì khi vào mùa khô, nguyên liệu giảm xuống còn 30 đến 40 loại mà thôi.
Khi thưởng thức, bạn có thể dùng lá cuốn lại thành những chiếc phễu, sau đó cho một chút tôm, thịt hoặc bì heo luộc vào gói lại rồi chan đẫm nước chấm gỏi. Lúc này, vị bùi, chát, đắng, chua của các loại lá sẽ kết hợp với thịt, tôm ngọt thơm để tạo ra một món ăn hấp dẫn khó cưỡng.
>>> xem thêm: Gỏi lá, món đặc sản không thể bỏ qua khi đến thăm Kon Tum
2. Xôi măng
Món xôi măng Kon Tum có cách chế biến khá đơn giản, chỉ gồm cá xôi nếp nóng hổi và măng tươi xào. Thế nhưng để có được một đĩa xôi măng thơm nức mũi và ngon như ở Kon Tum thì người đầu bếp sẽ phải chế biến thật khéo, tỉ mỉ.
Để phù hợp với khẩu vị và sở thích của nhiều người hơn, xôi măng Kon Tum còn được ăn kèm cá kho, thịt hoặc đậu phụ kho. Khi ăn xôi măng, bạn sẽ cảm nhận được hạt xôi vừa mềm vừa thơm với màu vàng óng bắt mắt kết hợp với măng xào giòn, chua chua cay cay. Món ăn này thường được bán như một thức quà sáng dân dã của Kon Tum.
>>> xem thêm: Xôi măng, món ăn sáng dân dã, rẻ mà ngon, đến Kon Tum không thử thì rất phí
3. Gà nướng
Để chế biến gà nướng, người ta sẽ sử dụng loại gà thả đồi vì thịt của chúng thường chắc và ngọt hơn. Sau khi sơ chế xong, đầu bếp sẽ mang gà đi ướp cùng nhiều nguyên liệu thiên nhiên Tây Nguyên như rễ cây, mật ong và nhiều loại lá gia vị riêng. Nhờ vậy mà sau khi nướng chín trên than hồng, gà nướng sẽ có hương vị vô cùng khác biệt. Gà nướng ở Kon Tum thường được ăn kèm cơm lam và chấm với muối tiêu chanh hoặc muối hột giã cùng lá bét, ớt…
4. Bún nước
Bún nước Kon Tum là một món ăn có nguồn gốc từ đặc sản bún tôm Bình Định. Khác với những loại bún thường thấy, bún nước Kon Tum sẽ sử dụng hoàn toàn sợi bún tươi. Vì thế khi ăn lần đầu, bạn sẽ thấy món này hơi ngang ngang, thế nhưng sau khi thưởng thức đến lần thứ 2, thứ 3… thì lại mê mẩn.
Bún nước Kon Tum có cách chế biến khá lạ. Các nguyên liệu không được trần trong nồi nước lèo rồi chan vào bát mà tất cả các nguyên liệu bao gồm tôm tươi giã nhuyễn, thêm thịt bò tươi, hành, rau thơm xắt nhỏ, giá đều được xếp hết vào bát. Sau đó người bán sẽ chan trực tiếp nước dùng sôi vào bát để làm chín nguyên liệu. Nước dùng vì thế sẽ giữ được độ ngọt từ sự tươi ngon của nguyên liệu
Khi ăn bún nước Kon Tum, bạn có thể cho thêm một chút lá tía tô, ớt xanh và chanh để món ăn hấp dẫn hơn.
5. Cà đắng
Cà đắng là một nguyên liệu quen thuộc thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của đồng bào dân tộc ở Kon Tum. Để giữ được hương vị nguyên bản của món ăn, người ta thường mang cà đắng đi muối. Vị đăng đắng kết hợp với ớt xanh cay xé lưỡi đã giúp người Kon Tum có thêm một món ăn vô cùng bắt cơm.
Bên cạh đó, người ta cũng sử dụng cà đắng để chế biến nhiều món ăn như cà đắng nướng, cà đắng nấu cá nhét, cà đắng nấu thịt heo rừng, ếch um cà đắng, lươn um cà đắng…