7 thói quen của những người không cảm thấy hạnh phúc
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 20/07/2021 21:11 (GMT +7)
Người không hạnh phúc khó chấp nhận và tìm niềm vui trong thực tại, quá coi trọng vật chất, tự dằn vặt bản thân vì lỗi lầm quá khứ và mong chờ cứu giúp.
Những người không thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, không tự cảm nhận được hạnh phúc tồn tại xung quanh mình luôn tìm cách trói buộc bản thân bằng những hành động và suy nghĩ cố chấp.
Cố gắng kiểm soát mọi thứ
Con người ai cũng muốn mình có thể kiểm soát cuộc sống và đưa ra các kế hoạch chuẩn xác cho tương lai. Nhưng sự thật là dù cố gắng đến đâu, sẽ vẫn có điều chúng ta không thể thay đổi, kiểm soát hoặc dự đoán được.
Nhưng những người không hạnh phúc kinh niên không hiểu điều này. Họ không thể học cách chấp nhận và thả lỏng việc đón chờ một điều gì đó lệch ra ngoài dự định mà luôn cố bám sát một cách cứng nhắc vào một kế hoạch nào đó, để rồi đau khổ khi nó không diễn ra theo cách mình muốn.
Tự đổ lỗi cho bản thân
Một thói quen khác của những người không hạnh phúc là thường tự trách và tự đánh giá thấp bản thân. Không cảm thấy hài lòng, quá khắt khe với chính mình và tập trung nhiều vào những khiếm khuyết lẫn thiếu sót mà bỏ qua những thứ mình đã làm được .
Điển hình là chứng bệnh tâm lý mà các nhà tâm lý học gọi là "tự nói chuyện tiêu cực". Có nghĩa họ liên tục nghĩ về bản thân với thái độ quá khắc nghiệt và tự phê bình kiểu : "Tôi thật ngốc nghếch" hoặc "Tôi làm mọi thứ rối tung lên rồi".... Đây thực sự là việc tự hạ thấp tự trọng của chính mình, gây ra cảm giác trầm cảm và lo lắng.
Dễ nản lòng
Những người thường xuyên không hạnh phúc dễ nản lòng, sợ thất bại và luôn chọn con đường ít vấp ngã nhất. Nếu phải đương đầu với khó khăn, họ thà bỏ cuộc, trốn chạy còn hơn phải đối mặt với bất trắc.
Điển hình của kiểu người này là muốn ở nơi thoải mái, an toàn và sợ thử điều mới, sợ rủi ro. Họ không theo đuổi đam mê vì nghĩ nó quá khó. Một cuộc sống đều đều tẻ nhạt là thứ họ chấp nhận.
Có tư duy nạn nhân
Khi nghiên cứu và điều trị cho các bệnh nhân trầm cảm, người sáng lập tâm lý học tích cực, bác sĩ Martin Seligman nhận thấy, rất nhiều người trong số họ mắc hội chứng gọi là "bất lực trong tiếp thu".
Cảm giác bất lực quá mức sẽ dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân, luôn luôn cảm thấy khó khăn và mình không thể làm gì để thay đổi. Họ chỉ biết chờ đợi người khác đến cứu mình vì nghĩ bản thân không thể hành động và tự cứu mình khỏi rắc rối. Tóm lại, họ luôn tự coi mình là "nạn nhân" và dĩ nhiên, họ chẳng thể cảm thấy gì gọi là hạnh phúc.
Quá vật chất
Dù không thể phủ nhận tài chính chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều tự do và yên tâm. Nhưng cuối cùng, tiền cũng không thể mua được hạnh phúc thực sự và lâu dài.
Trên thực tế, các nghiên cứu còn chỉ ra điều ngược lại: liên tục chạy theo tiền bạc và quá coi trọng vất chất thường khiến chúng ta không thể hạnh phúc hơn, làm giảm sự hài lòng trong cuộc sống, giảm cảm giác hạnh phúc, dẫn đến mệt mỏi. bởi khi ta luôn muốn nhiều hơn thì sẽ dễ buồn bực khi thấy ai đó còn có nhiều hơn mình.
Quá cạnh tranh
Những người không hạnh phúc kinh niên thường có xu hướng cạnh tranh quá mức vì liên tục so sánh mình với người khác. Họ luôn muốn chứng minh mình giỏi hơn những người khác về cả trí thông minh, địa vị, học vấn hay kinh doanh.
Đáng tiếc là điều này chỉ tạo ra bất an, ghen tị và oán giận. Quan trọng hơn, khi tinh thần của bạn bị sự ghen tỵ chiếm hữu, thể xác mệt mỏi và bất an tinh thần là điều không thể tránh.
Luôn "sốt ruột" chờ hạnh phúc ở tương lai
Những người không hạnh phúc luôn lo lắng về chương tiếp theo trong cuộc đời. Họ luôn bị thúc giục và tò mò về thứ mình sẽ có trong tương lai. Nhưng hạnh phúc là một hành trình, không phải một đích đến.
Những người này lúc nào cũng băn khoăn tương lai mình có gì, mình đạt được gì, rồi lại lo sợ những rủi ro sẽ đến và bắt ép mình đạt được như mong ước, nhưng thực tại xung quanh thì bỏ mặc. Cuối cùng chỉ có đau khổ và bất mãn với cuộc sống vì có bao giờ, ta biết trước tương lai đâu.