Bác sĩ hoang mang khi bệnh nhân gắt: Không biết đột quỵ phải nằm yên à?
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ bảy, 26/12/2020 23:14 (GMT +7)
“Bác sỹ không biết là khi bị đột quỵ thì phải nằm bất động à? Để não được nghỉ ngơi.", một bệnh nhân đột quỵ nói với bác sĩ điều trị.
Những ngày nhiệt độ xuống thấp, tại các bệnh viện số lượng người bị đột quỵ gia tăng, trong đó có không ít người đến viện trong thời gian quá muộn, qua thời gian vàng của não khiến cho tình trạng vô cùng nguy hiểm và xảy ra không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Như Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã tiếp nhận 1 nam bệnh nhân 60 tuổi từ Thái Bình, có tiền sử khoẻ mạnh, nhập viện trong tình trạng tê yếu nửa người trái.
Ngay khi bệnh nhân vào viện, kíp trực đã nhanh chóng đón bệnh nhân với hi vọng có thể điều trị tái tưới máu để “cứu não”.
Được biết, trước khi nhập viện 26 giờ bệnh nhân đã cảm thấy chân tay bên trái tê nhưng chỉ nghĩ do thời tiết gió lạnh nên ông “nằm nghỉ ngơi” nhưng càng nằm nghỉ tay chân bên yếu càng không cải thiện nên mới đến viện.
Khi được bác sĩ hỏi vì sao 26 giờ sau mới nhập viện thì người đàn ông này liền vô tư hỏi lại: “Bác sỹ không biết là khi bị đột quỵ thì phải nằm bất động à? Để não được nghỉ ngơi. Nhưng tôi càng nằm nghỉ ngơi thì tay chân bên yếu mãi vẫn không cải thiện, nên tôi bảo con đưa đi viện”.
Các bác sĩ cho biết, chính vì suy nghĩ như vậy nên bệnh nhân đã qua giờ vàng để cứu não.
Nói về căn bệnh này, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh nhất để giúp bệnh nhân đến bệnh viện kịp giờ vàng.
Liên quan đến vấn đề này, Ths. Bs Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng nhấn mạnh, nếu người bình thường đột nhiên mắc 1 trong 6 biểu hiện như đột ngột mất thị lực, nhất là chỉ xuất hiện ở một bên mắt hay chân, tay bị tê hoặc yếu rã rời, đột nhiên nói ngọng bất thường, môi lưỡi cứng đơ, choáng váng, mất ý thức hoặc đau đầu dữ dội thì chúng ta nên nghi ngờ người đó bị đột quỵ não cấp.
Khi đó điều cần làm đó gọi ngay xe cấp cứu, và thông báo cho người điều hành rằng nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ, khi đó nhân viên y tế có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
Đặc biệt, trong tình huống này, người nhà hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin cơ bản như loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, dị ứng hay không, tiền sử bệnh tật như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường hay không... Vì thông tin này sẽ rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử.
Đồng thời hãy yêu cầu người bệnh nằm xuống và nằm nghiêng với tư thế đầu cao, bên cạnh đó hãy nới lỏng quần áo của họ để giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Nhưng nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ... Đặc biệt lưu ý là không nên cho người bệnh dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi người bệnh có thể sặc và gây suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, người nhà không được dùng các biện pháp dân gian đển sơ cứu ban đầu cho người bệnh như: đánh gió hoặc trích máu đầu ngón tay, ngón chân…vì chính những điều đó gây bất lợi cho người bệnh và làm mất đi “giờ vàng” để cấp cứu người bệnh.