Bánh lá dừa, món đặc sản dân dã mà thơm ngậy, hấp dẫn ở Bến Tre
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ năm, 07/04/2022 11:31 (GMT +7)
Nếu có dịp ghé thăm xứ dừa Bến Tre, bánh lá dừa là một món ăn dân dã với hương vị đặc trưng mà bạn không nên bỏ qua.
Bến Tre là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cách TP.HCM chỉ khoảng gần 2 giờ đồng hồ di chuyển. Khi đến đây, du khách có thể tham quan nhiều khu du lịch, di tích nổi tiếng như cồn Phụng, cồn Phú Đa, vườn trái cây Cái Mơn – Chợ Lách, sân chim Vàm Hồ, khu di tích lịch sử Đồng Khởi, nhà cổ Huỳnh Phủ, chùa Vạn Phúc…
Ngoài ra đặc sản của Bến Tre cũng rất đa dạng. Một số món đặc sản tiêu biểu có thể kể đến như kẹo dừa, bánh canh bột xắt, bánh xèo ốc gạo, cơm dừa. Ngoài ra các món bánh của Bến Tre cũng rất đa dạng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc hay bánh lá dừa… Trong đó bánh lá dừa là món bánh khá đặc sắc của địa phương này!
Nguyên liệu để làm món bánh lá dừa thường gồm có gạo nếp dẻo, cơm dừa nạo, đậu xanh và chuối. Đặc biệt, để làm ra những chiếc bánh có hình dáng và mùi thơm đặc trưng, người ta thường cuộn tròn chiếc lá dừa lại như một chiếc lò xo rồi gói các nguyên liệu lại.
Nếp được chọn làm bánh lá dừa thường là loại ngon, căng bóng, đều hạt. Khi đã chọn xong, nếp sẽ được rửa sạch và ngâm qua đêm. Không giống như nhiều loại bánh thông thường, nếp sau khi ngâm xong sẽ được mang đi xào cùng cơm dừa xay nhuyễn hoặc nước cốt dừa để mềm, nở và hơi dính một chút. Tiếp đó, để món bánh thêm hấp dẫn và lạ miệng, người ta sẽ cho thêm đậu đen hoặc đậu đỏ xào cùng.
Bánh lá dừa thường được làm 2 loại nhân khác nhau, tuỳ vào khẩu vị mà bạn có thể làm nhân đậu xanh hoặc chuối. Phần nhân chuối của bánh thường là loại chuối xiêm trái to, chín để có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên nhiều người vẫn mang chuối đi ướp đường rồi phơi nắng khoảng 30 phút để nhân ngọt hơn và có màu đỏ đẹp mắt. Còn nếu không muốn nhân ngọt gắt mà vẫn có màu đỏ, họ sẽ thay đường bằng một chút rượu trắng. Còn với nhân đậu xanh, người làm bánh sẽ đãi vỏ rồi hấp chín cùng nước cốt dừa và một chút muối.
Lá dừa gói bánh thường là loại non chưa nở thành tàu lá vì chúng thường mềm, có màu sắc và mùi thơm hấp dẫn hơn. Gói bánh lá dừa là một công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo. Nếu gói quá chặt tay, bánh sẽ không chín đều nhưng nếu quá lỏng thì bánh sẽ bị ngấm nước và không được ngon. Trước khi luộc bánh, người ta thường gói bánh lại thành những chùm nhỏ và sử dụng các loại dây khác nhau để phân biệt nhân bánh. Để bánh không bị cháy và mùi thơm từ lá dừa ngấm vào nếp, họ cũng xếp một lớp lá dừa phía dưới đáy nồi.
Tuỳ vào sở thích mà bạn có thể ăn bánh lá dừa khi nóng hoặc nguội. Bánh lá dừa khi ăn sẽ có vị bùi bùi của đậu, dẻo của nếp, vị ngọt của chuối kết hợp với mùi lá dừa thoang thoảng và nước cốt dừa béo ngậy.
Bánh lá dừa được gói kín nên có thể để từ 2 đến 3 ngày ở nơi khô ráo, thoáng khí mà không lo bị hỏng. Vì vậy bạn có thể thưởng thức trực tiếp món bánh lạ miệng này hoặc mua về làm qua khi đến xứ dừa Bến Tre.