Bánh mướt, món ăn dân dã xứ Nghệ luôn khiến người xa quê phải nhung nhớ

Mặc dù chỉ là món “ăn kèm” đơn giản, ít người biết đến, thế nhưng bánh mướt luôn là món ăn gây thương nhớ với những người con xa xứ của mảnh đất Nghệ An.

Hashtag: Ẩm thực việt nam Văn hóa ẩm thực Tinh hoa ẩm thực

Khi nhắc đến những “thương hiệu” làm nên ẩm thực Nghệ An, nhiều người sẽ nhớ ngay đến cháo lươn, bánh ngào, giò bê… Thế nhưng ít ai biết rằng, xứ Nghệ còn có bánh mướt, món ăn sáng quen thuộc của nhiều gia đình ở đây. Thậm chí với nhiều người con xa quê, bánh mướt đã trở thành một phần ký ức và luôn khiến họ nhung nhớ mỗi khi nhớ về món đặc sản bình dị này.

Bánh mướt Nghệ An có hình dáng khá giống với bánh cuốn miền Bắc hay bánh ướt miền Nam. Loại bánh này dài khoảng ngón tay trỏ, có màu trắng trong và khi cắn sẽ cảm nhận được vị mềm mịn từ lớp bột cuộn tròn. Mặc dù không quá cầu kỳ trong cách chế biến cũng không cần sử dụng các nguyên liệu đắt tiền, thế nhưng để có một đĩa bánh mướt ăn sáng, người làm bánh phải rất tỉ mỉ và chỉnh chu trong từng công đoạn nhỏ.     

Ảnh: @jolee.hzl.

Chọn gạo để làm bánh là công đoạn quan trọng nhất khi làm bánh mướt Nghệ An. Sau khi chọn được loại gạo tẻ ưng ý, người ta sẽ đem gạo đi ngâm khoảng 3 giờ đồng hồ rồi đem xay nhỏ, sau đó lại ngâm tiếp từ 3 đến 6 giờ đồng hồ nữa cho phần gạo xay đạt đến “độ chín” hoàn hảo. Khi ngâm xong, người làm bánh còn phải chắt phần nước cốt của chậu bột ngâm để tráng bánh.

Ảnh: @hanhtronn.

Cách tráng bánh mướt Nghệ An cũng tương tự như cách tráng bánh cuốn hay bánh ướt, họ đặt một lớp vải mịn lên trên nồi tráng. Sau đó bật lửa thật to và chờ nước sôi thì mới dùng muôi múc phần bột ngâm sẵn trải mỏng lên trên và đậy vung lại chờ bánh chín. Đây là giai đoạn để người đầu bếp “khoe tài” và sự khéo léo của mình, những chiếc bánh có độ dày hay mỏng chính là do bước này quyết định. Bánh sẽ được chín dần nhờ vào sức nóng của hơi nước, khi chín hẳn sẽ được kéo ra và cuộn tròn rồi xếp vào một chiếc thúng lót sẵn lá chuối hoặc những chiếc đĩa sạch bên cạnh. Cũng có nhiều nơi người ta không cuộn mà chỉ cắt bánh thành những miếng vừa ăn.

Ảnh: @ig.chang_.

Những chiếc bánh mướt sau khi tráng vẫn còn nóng hổi và toả ra mùi thơm đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Vì đã được phết một lớp dầu mỏng lúc cuốn nên bánh không bị dính, mềm, mịn và có màu trắng đẹp mắt.

Thông thường, những chiếc bánh mướt có thể được ăn kèm với nước mắm vắt chanh và một số loại rau như rau nhút hay củ chuối. Thế nhưng để món ăn hấp dẫn hơn, người Nghệ An có thể dùng bánh mướt kèm với chả, thịt gà, thịt vịt hay xáo lòng.

Bánh mướt xáo lòng đặc sản Nghệ An. Ảnh: Foody.

Xáo lòng có lẽ là món được dùng kèm bánh mướt phổ biến ở Nghệ An. Với những nội tạng heo thường thấy như tim, lòng, gan, dạ dày, cật, dồi và huyết… người đầu bếp sẽ mang đi sơ chế sạch sẽ rồi đảo tất cả nguyên liệu trên một chảo dầu phi hành thơm lừng cho tới khi săn lại. Sau khi thêm các gia vị nêm nếm vừa đủ, họ đổ thêm nước vào và chờ đến khi nồi nguyên liệu sôi thì bắt đầu thưởng thức. Bạn có thể gắp một miếng bánh mướt, chấm vào chén nước mắm rồi đưa lên miệng thưởng thức, tiếp đó húp thêm một miếng xáo lòng là đủ để cảm nhận hết được vị ngon và đậm đà của món ăn.

Ảnh: @realthtaws.

Tuy chỉ là một món ăn bình dị, dân dã, thế nhưng bánh mướt vẫn luôn là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Nếu có dịp ghé thăm Nghệ An, bánh mướt là món đặc sản mà bạn nhất định phải thưởng thức để hiểu hơn về ẩm thực và con người nơi đây.

 

Bài liên quan

News feed