Tiệm bánh Trung thu Triều Châu “nóng hổi” nức tiếng Sài Gòn hơn 70 năm

Pooh Đăng lúc: Thứ hai, 06/09/2021 11:11 (GMT +7)
Bánh Trung thu của tiệm Triệu Minh Hiệp là bánh kiểu Triều Châu nên có nhiều khác biệt. Hơn 70 năm qua, mỗi mùa trăng tháng 8, tiệm lại tấp nập người đến mua.
Hashtag #Tết Trung thu #BÁNH TRUNG THU #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Khi nhắc tới bánh pía ắt hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay tới món bánh pía - đặc sản Sóc Trăng nhưng trên thực tế còn có một loại bánh pía khác, phải ăn lúc còn nóng hổi khi mới ra lò. Đó là món bánh pía truyền thống của người Triều Châu (Trung Quốc) thường được mua và thưởng thức nhiều nhất vào dịp tết Trung thu

Một tiệm sản xuất bánh kẹo kiểu người Hoa nằm khiêm tốn ở con hẻm 123 Bình Tây, Phường 1, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã được hơn 7 thập kỷ. Không biển hiệu rực rỡ, không quảng cáo rùm beng nhưng bánh ra lò tới đâu là hết tới đó. Đấy chính là tiệm bánh mang tên Triệu Minh Hiệp.

Ảnh: haivyd
Ảnh: haivyd

Sau 3 thế hệ, tiệm bánh Triệu Minh Hiệp vẫn hoạt động mỗi ngày để đem tới những món bánh kẹo kiểu người Hoa cho người dân Hoa kiều tại Sài Gòn. Nhưng có lẽ món bánh pía truyền thống là thứ khiến người ta nhắc và nhớ tới tiệm bánh nhiều nhất. 

Bánh Trung thu của người Triều Châu

Đập vào mắt khách hàng ngay khi tới tiệm chính là các dòng thông tin về loại bánh, giá cả… được in trên giấy A4 dán trên tường. Ai cũng sẽ ấn tượng và cảm thấy: “Ồ, đúng kiểu kinh doanh gia đình không chệch đi đâu được!”. “Quanh năm suốt tháng luôn có bán bánh bía” – dòng thông báo này ắt hẳn là thứ khiến tất cả mọi người đều tò mò. Không giống như bánh pía Sóc Trăng, bánh pía của người Tiều có kích cỡ to hơn, vỏ mỏng và mềm hơn, nhân dẻo và đặc biệt là phải dùng ngay khi còn nóng hổi. 

Ảnh: Zingnews
Ảnh: Zingnews

Ngoài ra, bánh pía của người Tiều thường là thức quà xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới hỏi và là món bánh truyền thống trong dịp Trung thu của người Tiều. Tiệm bánh vừa là nơi bán hàng nhưng cũng là xưởng sản xuất ở bên trong. 

Ảnh: Hà Ngô
Ảnh: Hà Ngô

Bánh pía Triều Châu của tiệm Triệu Minh Hiệp là bánh tươi, sản xuất trong ngày. Buổi sáng tiệm sẽ làm khoảng 80 chiếc bánh chia đều cho 20 hộp. Bán tới khoảng giờ trưa nếu hết mới lại làm tiếp một mẻ nữa. Nếu tới tầm chiều mà còn vài hộp thì sẽ ngưng luôn. Bánh luôn được bán trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon vì bản chất bánh phải ăn khi nóng hổi thì mới là ngon nhất. Bánh không có chứa chất bảo quản nên để cũng chỉ được tối đa 10 ngày ở nơi mát mẻ. 

Ảnh: Hà Ngô
Ảnh: Hà Ngô

Món bánh Trung thu của người Triều Châu này thoạt nhìn đã thấy hấp dẫn và ấn tượng vì chiếc bánh khá là to, được làm đơn giản không sử dụng khuôn chạm khắc cầu kỳ, chỉ nặn bằng tay. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng khoảng 200 tới hơn 200gr phụ thuộc vào bánh có trứng muối hay không có. Phần vỏ bánh làm bằng bột mì, được cán thành nhiều lớp nên khi ăn lớp vỏ sẽ bong ra theo từng lớp bột đã cán. Bên trong là nhân đậu xanh hoặc khoai môn được sên rất dẻo và ở giữa là trứng muối.

Bên ngoài lớp vỏ bánh sẽ được rắc một ít vừng rang. Bánh nhân khoai môn thì chấm vừng trắng, bánh nhân đậu xanh thì chấm vừng đen. Bánh nướng gần chín thì lấy ra, phết lên một lớp trứng đánh tan rồi lại đem nướng nốt để đảm bảo vỏ bánh vàng thơm. 

Ảnh: Soha
Ảnh: Soha

Trung bình một mẻ bánh sẽ làm hết khoảng 3 giờ đồng hồ, riêng phần nhân cần tới tận 2 tiếng. Bởi bánh không có chất bảo quản nên việc sên nhân cần phải thật kỹ càng để đảm bảo bánh không dễ hỏng. Khoai môn hoặc đậu xanh sẽ được đem hấp chín sau đó cán nhuyễn rồi đem đi sên trên lửa nhỏ với đường. Nhân sên xong cũng phải để nguội hoàn toàn rồi mới tiến hành cán bột gói bánh.

Bánh sau khi nướng xong sẽ được đặt vào hộp giấy, mỗi hộp có 4 chiếc. Bên ngoài hộp giấy in hoa văn rồng phượng mang màu sắc Trung Hoa rất rõ. Hộp giấy là cách giúp bánh còn nóng vẫn để được mà không lo ẩm mốc nếu như sử dụng hộp bằng ni lông.

Ảnh: haivyd
Ảnh: haivyd

Mỗi hộp bánh sẽ có giá từ 179 ngàn tới 239 ngàn phụ thuộc vào bánh có 1 trứng, 2 trứng muối hay không có trứng muối. 

Cận bảnh bên trong của chiếc bánh

Khi đưa bánh cho khách hàng người bán sẽ gợi ý nên ăn ngay khi còn nóng. Và việc bánh vừa mới ra lò nên di chuyển xa phải thực sự cẩn thận nếu không rất dễ bị vỡ, nát. Dùng bánh khi còn nóng là ngon nhất bởi lúc này lớp vỏ mềm, từng lớp vỏ mỏng tan ra trong miệng, lớp nhân dẻo thơm hòa quyện với phần trứng muối mằn mặn bùi bùi. Trứng muối ở đây được làm chín vừa độ nên không hề khô cứng như nhiều loại bánh Trung thu đại trà trên thị trường. Nếu ăn bánh lúc nguội sẽ có phần ngọt hơn. 

Ảnh: Hà Ngô
Ảnh: Hà Ngô

Dù kinh doanh theo hình thức gia đình cha truyền con nối, nhưng tiệm bánh 3 thế hệ này đã khẳng định được giá trị chất lượng để giờ đây không chỉ người Hoa mà rất nhiều người từ khắp nơi đổ về để mong được thưởng thức món bánh Trung thu ngon và cảm nhận một nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn ở trong lòng thành phố.

Ăn bánh Trung thu, uống trà - cặp đôi hoàn hảo của mùa Đoàn viên Điểm thú vị về bánh trung thu Văn Hòa Lạc "siêu trứng muối" đang gây sốt Top 4 thương hiệu bánh Trung thu nức tiếng ở Sài Gòn ai ai cũng biết
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp